SSH tăng 112% sau 4 phiên, vốn hóa Sunshine Homes vượt xa FLC, DIC Corp, Hoàng Huy, Đất Xanh Services; BLW và HGC bị dừng giao dịch 3 phiên; VIC bị bán ròng mạnh nhất phiên 09/8;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 10/8/2021.
BLW và HGC bị dừng giao dịch 3 phiên: Ngày 09/08, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc tạm dừng giao dịch 3 phiên từ 11-13/08/2021 đối với cổ phiếu BLW của CTCP Cấp nước Bạc Liêu (UPCoM: BLW) và cổ phiếu HGC của Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc tỉnh Hậu Giang (UPCoM: HGC). Lý do tạm dừng giao dịch là BLW và HGC không công bố thông tin về họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, thuộc trường hợp chứng khoán đăng ký giao dịch bị tạm dừng theo quy định. HNX sẽ có thông báo cho phép 2 cổ phiếu này giao dịch bình thường trở lại sau khi các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin về họp ĐHĐCĐ thường niên. Trong trường hợp doanh nghiệp vẫn tiếp tục không thực hiện công bố thông tin, Sở sẽ xem xét áp dụng hình thức hạn chế giao dịch.
SSH tăng 112% sau 4 phiên, vốn hóa Sunshine Homes vượt xa FLC, DIC Corp, Hoàng Huy, Đất Xanh Services: Trong phiên giao dịch hôm nay (9/8), cổ phiếu SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes tiếp tục tăng kịch trần, đóng cửa ở 45.800 đồng/cp. Theo đó, cổ phiếu này đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp kể từ khi giao dịch trên UPCoM vào ngày 4/8. So với mức giá tham chiếu của ngày đầu giao dịch 21.600 đồng/cp, giá mã SSH tăng 112%. Tuy vậy, thanh khoản cổ phiếu này rất thấp chỉ vài trăm đơn vị khớp lệnh mỗi phiên. Trong phiên hôm nay, dư mua giá trần với cổ phiếu này là hơn 1,5 triệu đơn vị. Ước tính tại mức giá 45.800 đồng/cp, giá trị vốn hóa thị trường của Sunshine Homes đạt khoảng 11.450 tỷ đồng. Quy mô vốn hóa này cao hơn so với một số công ty khác trong ngành bất động sản như Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (Mã: DIG), Tập đoàn FLC (Mã: FLC), Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã: TCH), Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Mã: DXS).
HoSE chuyển sang làm việc trực tuyến sau khi xuất hiện F0: Sáng 9/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ra thông báo áp dụng quy trình, giải pháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh và tổ chức hoạt động do HoSE đã phát hiện một số ca dương tính qua quá trình xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với lực lượng nhân viên “3 tại chỗ” hôm 4/8. Phía Sở đã báo cáo thông tin kịp thời với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và thực hiện việc xử lý an toàn dịch bệnh theo quy định. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhằm đảm bảo an toàn và hoạt động liên tục của thị trường chứng khoán, từ ngày 9/8/2021, HoSE sẽ tạm dừng mọi hoạt động tiếp khách, làm việc trực tiếp “mặt đối mặt” với khách hàng, đối tác. Việc xử lý thông tin liên quan đến doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán và các bên có liên quan được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, từ xa. HoSE cũng khẳng định hoạt động giao dịch chứng khoán vẫn được duy trì bình thường theo các kịch bản phòng chống dịch đã được chuẩn bị.
VIC bị bán ròng mạnh nhất phiên 09/8: Khối ngoại phiên này mua vào 33,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.509 tỷ đồng, trong khi bán ra 34,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.416 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 984.794 cổ phiếu, nhưng nếu tính về giá trị thì dòng vốn ngoại vẫn mua ròng 93 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ liên tiếp với giá trị gấp gần 3 lần phiên cuối tuần trước và ở mức 110 tỷ đồng, dù vậy, dòng vốn này bán ròng trở lại 241.000 cổ phiếu nếu xét về khối lượng. Khối ngoại sàn HoSE mua ròng tập trung mã VHM với giá trị 359 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là FUEVFVND với 72 tỷ đồng. STB và SSI tiếp tục được mua ròng lần lượt 52 tỷ đồng và 48 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 87,5 tỷ đồng. VNM và CTG bị bán ròng lần lượt 73 tỷ đồng và 63 tỷ đồng.
DXS báo lãi ròng quý 2 tăng 89%: Kết thúc quý 2, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HNX: DXS) ghi nhận lợi nhuận ròng gần 197 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ nhờ doanh thu thuần và doanh thu tài chính tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu quý 2 chủ yếu đến từ dịch vụ bất động sản gấp 3 lần cùng kỳ, lên mức gần 943 tỷ đồng, giúp doanh thu thuần của DXS gấp 2,2 lần, đạt hơn 1.087 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu thuần, gấp gần 3 lần nên lợi nhuận gộp tăng 93% so với cùng kỳ, lên hơn 710 tỷ đồng. Doanh thu tài chính quý 2 gần 12 tỷ đồng phần lớn là lãi tiền gửi, cho vay, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DXS ghi nhận doanh thu thuần gần 2.128 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ, giúp lãi ròng tăng 72%, lên hơn 398 tỷ đồng.
Việt Nam hút nhiều vốn ngoại nhất Đông Nam Á: Báo cáo Cập nhật diễn biến dòng vốn toàn cầu của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho thấy dòng vốn ETF vào mạnh trong tháng 7. Cụ thể, quỹ ETF mua ròng 206,6 triệu USD (tương đương gần 4.800 tỷ đồng) – lượng mua ròng lớn thứ 2 trong năm 2021 (sau tháng 4). Hầu hết các quỹ ETF đều có dòng vốn vào ngoại trừ FTSE Vietnam (bị rút nhẹ 38 tỷ đồng). Giá trị mua ròng lớn nhất đến từ quỹ ETF của Đài Loan là Fubon FTSE ETF (172 triệu USD). Như vậy, tính đến hết tháng 7, tổng tài sản của Fubon đã vượt VanEck Vectors Vietnam và trở thành quỹ ETF lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ sau VFM VNDiamond. Trong khi đó, các quỹ chủ động rút ròng nhẹ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, các quỹ chủ động bị rút ròng 191,6 triệu USD nhưng các quỹ ETF lại hút ròng gần 700 triệu USD, gấp 3 lần lượng vốn ETF vào của cả năm 2020, trong đó riêng quỹ Fubon là khoảng 545 triệu USD. Nhờ vậy, dòng vốn ngoại 7 tháng đầu năm vẫn hút ròng 492 triệu USD và Việt Nam là thị trường nhận được nhiều vốn ngoại nhất trong khu vực Đông Nam Á.