Thị trường hàng hóa hôm nay 30/9/2022 có nhiều biến động trong đó giá khí đốt tự nhiên tiếp tục lao dốc, nhóm kim loại có nhiều chuyển biến tích cực.
Giá dầu dần ổn định
Theo Oilprice, lúc 10 giờ ngày 30/9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11 “neo” ở mức 87,16 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 11 được giao dịch ở mức 81,63 USD/thùng, tăng tương đương 0,49%.
Giá dầu đã dần ổn định nhờ các dấu hiệu cho thấy OPEC+ có thể sẽ cắt giảm sản lượng, mặc dù đồng đô la đang mạnh hơn và triển vọng kinh tế yếu đã ngăn cản phần nào mức tăng.
Cả hai điểm chuẩn dầu thô đã dần tăng trở lại từ mức thấp nhất trong 9 tháng, lí do bởi sự sụt giảm tạm thời của chỉ số đồng đô la và sự sụt giảm hàng tồn kho nhiên liệu của Mỹ lớn hơn dự kiến. Tuy nhiên, chỉ số đồng đô la đã tăng trở lại đã làm giảm rủi ro của nhà đầu tư và dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế.
Các thành viên hàng đầu của OPEC+ đã bắt đầu thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu khi họ họp vào ngày 5/10, tuy nhiên chưa rõ về khối lượng. Reuters đưa tin trong tuần này rằng Nga có khả năng đề xuất OPEC+ giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày (bpd).
Cuộc họp vào tuần tới diễn ra trong bối cảnh giá dầu giảm từ mức cao nhất trong nhiều năm đạt được vào tháng 3 và biến động thị trường nghiêm trọng. Trước đó, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 100.000 thùng/ngày tại cuộc họp vào tháng 9 để hỗ trợ giá.
Giá khí đốt tự nhiên lao dốc gần 3%
Giá gas (hợp đồng tương lai khí tự nhiên Natural Gas-Mã hàng hoá: NGE) giảm mạnh hơn 2,8% xuống còn 6,85 USD/mmBTU vào lúc 10 giờ ngày 30/9 (giờ Việt Nam).
Sự cố Nord Stream vẫn được nhìn nhận là một trong những lý do tác động đến giá gas hôm nay. Nord Stream AG - công ty vận hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt dòng chảy phương Bắc, ngày 29/9 - cho biết: Có thể sử dụng đến nhóm sửa chữa đường ống và can thiệp dưới biển (PRSI Pool) để xử lý sự cố rò rỉ xảy ra gần đây trên các đường ống dòng chảy phương Bắc 1 và dòng chảy phương Bắc 2.
Nhóm PRSI Pool bao gồm khoảng 20 công ty, trong đó có các tập đoàn như Equinor, Statnett, Aker BP, Shell, Nord Stream AG và Neptune Energy.
Nhóm này sẽ cung cấp trang thiết bị kỹ thuật và cùng nhau hỗ trợ các công ty thành viên sửa chữa, khắc phục các sự cố đường ống và cáp điện dưới đáy biển.
Đến nay, Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện 4 đoạn đường ống rò rỉ trong hai tuyến đường ống dòng chảy phương Bắc 1 và dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic.
Sắc xanh bao trùm nhóm kim loại
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, lực mua chủ yếu đến từ thị trường kim loại với 8 trên 10 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9, bạc và thiếc là hai mặt hàng duy nhất ghi nhận đà giảm của giá so với ngày trước đó, trong khi sắc xanh bao phủ toàn bộ các kim loại còn lại.
Trong phiên giao dịch ngày 30/9, giá bạch kim (PLE) tiếp tục mức phục hồi hơn 2,5% lên 867,11 USD/ounce; bạc (SIE) cũng tăng 0,46% lên 18,80 USD/ounce sau khi giảm mạnh phiên hôm qua.
Đồng Dollar Mỹ đã có ngày suy yếu thứ 2 liên tiếp và là nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá phần lớn các mặt hàng kim loại khi áp lực về chi phí nắm giữ vật chất giảm bớt. Vào ngày hôm qua, dữ liệu đo lường lạm phát tại nước Đức lần đầu tiên đạt ngưỡng 2 con số kể từ khi đồng Euro ra đời cách đây 20 năm, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 tăng vọt 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này đang làm tăng nguy cơ về lạm phát tại Khu vực châu Âu sẽ vượt quá ước tính chung 9,7% trong tháng 9, và thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mạnh tay tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 10. Đồng Euro nhanh chóng tăng vọt sau dữ liệu này và do đó, đồng bạc xanh chịu sức ép, kéo chỉ số Dollar index giảm 0,31% và củng cố cho đà tăng của bạch kim. Trong khi đó, kháng cự 19 USD/ounce đã ngăn cản sự bứt phá của giá bạc, nhất là khi bài toán về nhu cầu công nghiệp vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự suy yếu của đồng USD cũng đã hỗ trợ cho phần lớn giá các mặt hàng kim loại cơ bản trong phiên. Đồng COMEX giảm mạnh nửa đầu phiên, nhưng nhanh chóng đảo chiều theo diễn biến của đồng Dollar Mỹ, kết thúc với mức giá 3,41 USD/pound sau khi tăng 1,77%.
Bên cạnh đó, nguồn tin từ Reuters cho biết Sở giao dịch kim loại London (LME) đang xem xét một cuộc tham vấn về việc liệu kim loại của Nga như nhôm, niken và đồng có nên tiếp tục được lưu trữ và giao dịch trong hệ thống hay không. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung kim loại của Nga sẽ bị cấm tại Sở giao dịch kim loại lâu đời nhất trên thế giới và hỗ trợ cho giá các mặt hàng này tăng khá mạnh trong phiên. Kim loại nhôm, niken và đồng của Nga lần lượt chiếm khoảng 7%, 6% và 3,5% tổng sản lượng trên thế giới.
Giá quặng sắt cũng tiếp tục đà phục hồi sau khi đón nhận tin tức tích cực về triển vọng tiêu thụ, khi mà Chính phủ Trung Quốc phân phối thêm 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng thông qua Ngân hàng chính sách của quốc gia này. Ngoài ra, nhu cầu dự trữ thép tăng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vào tuần sau cũng đã hỗ trợ cho giá sắt.
Giá bông lao dốc 4% về mức thấp nhất 2 tháng
Thị trường nguyên liệu công nghiệp diễn biến trái chiều với 4 mặt hàng giảm và 5 mặt hàng tăng giá. Điểm đáng chú ý nhất thuộc về mức giảm gần 4% của bông, đẩy giá bông về mức 85,16 cents, thấp nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây.
Theo số liệu mới nhất từ báo cáo bán hàng xuất khẩu tuần kết thúc ngày 22/9, bán hàng ròng của bông Mỹ giảm mạnh từ 32.400 kiện trong báo cáo đó xuống còn 30.200 kiện trong báo cáo này. Thêm vào đó xuất khẩu cũng ghi nhận ở mức 187.900 kiện, giảm mạnh 44.400 kiện so với tuần trước. Số lượng đơn hàng trả lại và hủy cũng tăng cao so với báo cáo trước. Chính số liệu tiêu cực này đã kéo giá bông trong phiên hôm qua giảm tới 3,33 cents.
Dầu cọ thô hôm qua có phiên tăng khá mạnh với 3,60%, giúp giá bật tăng sau 5 phiên giảm liên tiếp. Đồng Ringgits suy yếu, thúc đẩy lực mua gia tăng kết hợp với tâm lý bắt đáy của giới đầu cơ đã giúp giá bật tăng trở lại. Bên cạnh đó, thị trường dầu thực vật khởi sắc với mức tăng của dầu đậu tương đã kéo theo dầu cọ.
Bộ Công Thương: Giá điện bình quân có thể tăng thêm 2.200 đồng/kWh