Trong năm 2023, do tình hình thủy văn có nhiều diễn biến bất lợi nên nhiều hồ thủy điện trên toàn quốc có lượng nước về rất ít.
Lưu lượng nước của các thủy điện đều thấp
Theo thống kê thủy văn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy: Từ đầu tháng 3 đến nay, tình hình nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc có lưu lượng thấp, chỉ đạt khoảng 24-91% trung bình nhiều năm (trừ hồ Thác Bà có nước về đạt 111% cao hơn trung bình nhiều năm). Miền Trung có 16/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (từ 16-95%), 11/27 hồ có nước về tốt (từ 101-223% trung bình nhiều năm), một số hồ có nước về rất tốt như: A Lưới, Đak Re, Đak Đrinh, Sông Hinh.
Còn ở miền Nam (ngoại trừ Thủy điện Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim có nước về cao hơn trung bình nhiều năm), các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm (từ 24-87%).
Tính toán theo nước về (bao gồm cả thủy điện nhỏ), sản lượng điện quy đổi các ngày trong tuần trung bình đạt khoảng 70,7 triệu kWh/ngày. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống thủy điện tại thời điểm giữa tháng 3/2024 cao hơn 2.939,2 triệu kWh (miền Bắc cao hơn 2.333 triệu kWh, miền Trung cao hơn 180,1 triệu kWh, miền Nam cao hơn 426,1 triệu kWh).
Trong tuần thứ 10, sản lượng trung bình ngày của thủy điện được huy động khoảng 103,5 triệu kWh (thấp hơn 22 triệu kWh so với kế hoạch tháng 3). Nguyên nhân là do lượng nước về các hồ tiếp tục thấp hơn dự báo. Ví dụ lưu lượng nước về tại 37 hồ thủy điện (xem bảng dưới đây) trong ngày 1/4/2024 cho thấy: Mực nước tại hồ chứa đều thấp hơn trung bình nhiều năm và trong số 37 nhà máy thủy điện, chỉ có 17 nhà máy vận hành, hoạt động cầm chừng và chỉ có 5 hồ phải xả nước qua đập tràn xuống hạ lưu.
Ảnh hưởng từ thời tiết và hiện tượng El Nino
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng El Nino đã xuất hiện từ giữa năm 2023 và vẫn còn duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%, sau đó suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/2024 và khoảng 50 - 60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.
Với các pha thời tiết thay đổi liên tục trong một năm, tình hình thời tiết dự báo năm 2024 sẽ có nhiều biến động và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường trước được. Trong nửa cuối tháng 3, nắng nóng xuất hiện ở Tây Bắc bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung bộ, sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ vào tháng 4 đến tháng 6/2024. Nắng nóng tại Nam bộ duy trì trên miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây từ nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5. Cảnh báo nguy cơ thiếu nước nửa đầu năm ở khu vực Bắc bộ, Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ đã được đưa ra.
Dự báo từ tháng 7 đến tháng 8/2024, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ. Về xu thế nắng nóng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ trong tháng Bảy, tháng Tám.
Nắng nóng sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng điện. Trong tuần thứ 10 năm 2024, phụ tải quốc gia có sản lượng trung bình ngày là 818,9 triệu kWh, trong đó, phụ tải miền Bắc ghi nhận đạt 358,8 triệu kWh, miền Trung 75,8 triệu kWh, miền Nam 384,28 triệu kWh.
Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải điện quốc gia tăng trưởng khoảng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, phụ tải miền Bắc tăng 9,9%, miền Nam tăng 12,7%, miền Trung tăng 8,3%.
Mặc dù phụ tải tăng, nhưng hệ thống điện vận hành an toàn, công tác cung cấp điện trong thời gian qua tiếp tục được thực hiện tốt, đảm bảo đủ nhu cầu đủ điện cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như sinh hoạt của nhân dân.
*Theo TS. Nguyễn Huy Hoạch, Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam