Thống đốc giải thích lý do gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ giải ngân được 3,05%

26-05-2024 08:12|Hoàng Hiếu

Đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua các ngân hàng thương mại không đi vào cuộc sống khi trong 1 năm qua chỉ mới giải ngân được hơn 1.200 tỷ đồng trong khi số vốn chưa giải ngân còn khoảng 38.800 tỷ đồng.

Tại chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% là một trong những chương trình của Nghị quyết 43/2022/QH15 được đặc biệt chú ý. Cụ thể, gói hỗ trợ 2% là hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua;

Theo báo cáo của Chính phủ, tới cuối năm 2023, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cả hệ thống ngân hàng thương mại mới giải ngân được 1.218 tỷ đồng. Số vốn chưa giải ngân còn khoảng 38.800 tỷ.

Nêu quan điểm, đại biểu Vũ Tuấn Anh (Đoàn tỉnh Phú Thọ) cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại không đi vào cuộc sống khi kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách.

Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy, nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định 31 của Chính phủ chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng chưa đầy đủ, rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không bảo đảm điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như Đoàn giám sát đã nêu, nên khi được hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất.

Đại biểu cho rằng doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo chính sách của Nhà nước, song vì một số lý do trên nên việc triển khai không đạt kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp.

Thống đốc giải thích lý do gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ giải ngân được 3,05% quy mô
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nguồn: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thống đốc lý giải kết quả thực hiện chính sách đạt thấp

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 nền kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khó lường, chưa từng có tiền lệ, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước, khó khăn của thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị…

Theo Thống đốc, khi thiết kế chương trình này theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước xác định đây là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có khả năng phục hồi và trả được nợ. Tức là, gói hỗ trợ lãi suất 2% không giải quyết cho tất cả doanh nghiệp khó khăn trong nền kinh tế, bao gồm cả những đơn vị không đủ điều kiện vay vốn.

Bà phân tích, vốn vay của chương trình lấy từ nguồn huy động dân cư của các ngân hàng thương mại, không phải ngân sách Nhà nước. Vì thế, các ngân hàng phải cho vay với điều kiện, thủ tục theo quy định, để đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

"Việc giải ngân nhiều hay ít của chương trình này phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp, ngân hàng", Thống đốc nói.

Bà Hồng nói thêm thực tế doanh nghiệp quyết định vay vốn không phải vì họ được hỗ trợ lãi suất. Bởi, lãi suất chỉ là một trong số chi phí đầu vào, nên họ có thể cân nhắc chọn các giải pháp hỗ trợ khác như miễn, giảm, giãn thuế. Chưa kể, doanh nghiệp sẽ xem xét họ vay để làm gì, có khả năng trả nợ hay không... mới quyết định vay vốn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo chi tiết các khó khăn, hạn chế của chương trình này gửi Chính phủ, Quốc hội.

Thống đốc kết luận với gói 40.000 tỷ đồng dành cho hỗ trợ lãi suất, tới cuối 2023 đã giải ngân được 3,05% và đã kết thúc chương trình. Chính phủ đã báo cáo, đề xuất Quốc hội không huy động thêm nguồn lực cho chương trình này. Trong trường hợp tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, thì có thể đưa vào chương trình khác, như chuyển sang chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc các chương trình an sinh xã hội.

>> Đại biểu tỉnh Phú Thọ: Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% 'hầu như không đi vào cuộc sống'

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước: Tin đồn thay đổi cách điều hành tỷ giá tạo tâm lý bất ổn trên thị trường

Đại biểu Quốc hội: “Tổng cầu trong nước còn yếu, chậm hồi phục”

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thong-doc-giai-thich-ly-do-goi-40000-ty-dong-ho-tro-lai-suat-2-moi-chi-giai-ngan-duoc-305-quy-mo-236148.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thống đốc giải thích lý do gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ giải ngân được 3,05%
POWERED BY ONECMS & INTECH