Thống nhất chỉ một loại nhà ở
Thoạt nghe, người ta thấy khó hiểu, rằng nhà ở rõ là có nhiều loại, ấy thế mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây lại kiến nghị cần có chính sách xã hội về nhà ở, thống nhất chỉ có một loại là nhà (không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại)...
Chậm lại để phân tích sâu mới thấy rằng, đề xuất này rất sâu sắc, phản ánh đúng trọng tâm chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta, mà lâu nay nhiều người dường như đang đánh tráo khái niệm.
Lâu nay, nói đến nhà ở xã hội (NƠXH) là người ta nghĩ ngay đến phân khúc nhà giá rẻ, chất lượng rẻ, dịch vụ thấp. Có không ít người còn chặc lưỡi, NƠXH thì thế thôi, đòi hỏi gì nhiều. Đây hẳn là cách hiểu chưa đúng bản chất của chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước ta.
Sở dĩ nói như vậy bởi lẽ, NƠXH là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường.
Cái khác nhau ở hai loại hình nhà ở này, đó là một loại nhà được Nhà nước có chính sách hỗ trợ (NƠXH), một loại nhà thì không được hỗ trợ mà vận hành theo cơ chế thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, giá trị về nhà là không khác nhau.
Vì có sự hỗ trợ của Nhà nước nên giá NƠXH có sự kiểm soát và giá bán, thuê thấp hơn giá thị trường cùng hạng, chứ không phải giá trị nhà thấp hơn mà lại đem khu biệt NƠXH chất lượng, dịch vụ, tiện ích không bằng nhà thương mại.
Ngay Luật Nhà ở năm 2023, có hiệu lực từ 1/8/2024 tới đây cũng đã kế thừa những ưu việt của Luật Nhà ở 2014 và có thêm nhiều quy định mới về ưu đãi cho các chủ đầu tư dự án NƠXH.
Cụ thể, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ trường hợp dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.
Tiếp đó, chủ đầu tư được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN theo quy định của pháp luật về thuế. Một số trường hợp được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng NƠXH.
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này vào giá thành NƠXH và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này.
Mặc khác, chủ đầu tư được vay vốn với lãi suất ưu đãi; trường hợp xây dựng NƠXH để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng NƠXH để bán, cho thuê mua theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
Điều đó cho thấy, những ưu đãi của Nhà nước cho chủ đầu tư trong việc thực hiện xây dựng NƠXH là không nhỏ. Ưu đãi như vậy nhằm mục đích giảm giá thành của NƠXH thấp hơn so với nhà ở thương mại, giúp những người thu nhập thấp có thể tiếp cận mua, thuê nhà để ở.
Đây là mấu chốt của chính sách an sinh xã hội về nhà ở mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang thực hiện. Không có chuyện, nhà ở giá thấp thì chất lượng, dịch vụ thấp, trong trường hợp này.
Chúng ta cần có cái nhìn đúng, công bằng và khách quan, xóa tan tư duy hằn sâu vào cả không ít người dân lẫn DN đầu tư dự án NƠXH, để người dân trong diện được tiếp cận như nhau về chất lượng và dịch vụ (không phân biệt NƠXH, nhà ở thương mại, chỉ một loại nhà), đúng như kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023” vừa qua.