Thu nhập cả trăm triệu mỗi năm nhờ biến chất thải thành tài nguyên
Nắm bắt nhu cầu thị trường cần nguồn chất thải từ nuôi bò sữa làm phân bón, hơn 2 năm qua, người dân xã Vĩnh Thịnh đi thu gom, bán phân bò và dần hình thành một nghề mới.
Nhờ nguồn thu ổn định và tăng trưởng tốt, những năm gần đây, người dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nuôi bò ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, thông tin, hiện trên địa bàn xã có khoảng 10.000 con bò, mỗi ngày thải ra trung bình khoảng 250 tấn chất thải rắn và 30.000 lít nước thải.
Tuy nhiên, tại địa phương, không còn tình trạng tắc mương, tắc cống bởi 2 năm trở lại đây, rất nhiều đơn vị đến thu mua và tái sử dụng phân bò. Nhiều người dân nói đùa: "Bây giờ người ta còn tranh nhau mua”.
Trò chuyện với PV. VietNamNet, chị Hiền Nhị kể: "Phân được vớt từ mương nước lên, giá khoảng 13.000-14.000 đồng một bao, còn phân gom tại chuồng có giá 16.000-17.000 đồng/bao. Nhờ đó, tôi có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, cao hơn cả công thợ xây. Mỗi tuần, sẽ có xe tới bốc hàng, mỗi xe từ vài trăm tới hàng nghìn bao”.
Do số lượng bò sữa nuôi lớn, người dân trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh không khó để kiếm được nguồn hàng cung cấp cho khách.
“Bây giờ có bao nhiêu phân người ta thu hót hết, công việc này cơ bản không phải đầu tư, chỉ mất công sức. Tôi túc tắc làm thêm việc này vì nhà tôi còn nuôi bò sữa, tuy nhiên những người chỉ làm riêng việc thu gom phân cũng đủ sống", chị Nhị cho hay.
Vào dịp cuối năm, phân bò rất đắt hàng. Các xe lấy hàng tới từ các tỉnh như Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang,... thu mua rất đông.
Theo chị Nhị, xe từ tỉnh Bắc Giang lấy hàng liên tục. Họ đưa về nhà máy chế biến thành phân sạch, cung cấp cho những người trồng cây ở trong thành phố vì đã hết mùi hôi”.
Anh Đàm Hữu Tuấn, một người dân trong xã, cho biết, anh nuôi bò tại nhà nên tranh thủ đi thu gom vì bỏ thì tiếc. Nếu gom trực tiếp tại chuồng thì sẽ được rất nhiều, nhưng do không hết và không có bãi để phơi nên một ngày nhà anh chỉ đóng được khoảng 10 bao. Nếu bán phân tươi, chỉ có giá 2.000 đồng một thùng.
Theo anh Tuấn, phân bò trong suy nghĩ của phần lớn mọi người là thứ bỏ đi. Tuy nhiên, chất thải này chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng.
Việc sử dụng phân bò để sản xuất phân hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn giúp nâng cao sản xuất nông nghiệp bền vững. Bằng cách bán phân bón này, người nông dân có thể tăng thêm nguồn thu nhập và cũng đóng góp vào việc bảo vệ môi trường thông qua tái sử dụng chất thải hữu cơ.
Quan trọng hơn, nhiều người dân tại xã Vĩnh Thịnh có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Đà Nẵng mời thầu dự án nhà máy xử lý chất thải rắn hơn 802 tỷ đồng