Thủ phủ hồng trăm tuổi xứ Nghệ mất mùa, được giá
Nông dân trồng hồng ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang bước vào mùa thu hoạch. Giá hồng năm nay cao hơn, song người dân ở vựa hồng ở xã Nam Anh vẫn kém vui vì hồng mất mùa.
Huyện Nam Đàn được xem là vựa hồng lớn nhất ở Nghệ An, diện tích và sản lượng cao tập trung tại các xã Nam Anh, Nam Xuân... Trong đó, riêng xã Nam Anh đã có khoảng 140ha cho thu hoạch và có rất nhiều gốc hồng trên 100 tuổi.
Quả hồng đang vào chính vụ thu hoạch nhưng “thủ phủ” hồng xứ Nghệ - xã Nam Anh vắng bóng thương lái thu mua. Theo người dân địa phương, vụ hồng năm nay được giá nhưng lại mất mùa.
Bà Hồ Thị Thanh (trú xóm 8, xã Nam Anh) cho biết, gia đình bà có 50 gốc hồng, trồng đã được chục năm. Những ngày gần đây, mỗi buổi sáng, 2 người trong gia đình bà thu hoạch được 50kg quả để giao cho các thương lái. So với mọi năm, lượng hồng năm nay giảm một nửa, không đủ hàng để bán.
Nếu năm trước được mùa, mỗi gốc hồng lâu năm cho thu nhập 1,5-2 triệu đồng thì vụ hồng năm nay, do năng suất giảm nên gốc sai quả nhất cũng chỉ đạt 40-50kg quả, sản lượng giảm một nửa.
Theo bà Thanh, hiện giá hồng trứng được thương lái thu mua từ 25.000-27.000 đồng/kg, hồng ghép được thu mua với giá 15.000-20.000 đồng/kg, cao hơn các vụ trước 3.000-5.000 đồng/kg; giá bán lẻ ở các chợ là 35.000-40.000 đồng/kg (tuỳ loại).
Không chỉ riêng gia đình bà Thanh, tất cả hộ dân trồng hồng ở Nam Anh cũng rơi vào cảnh tương tự. Thậm chí có những gia đình, năng suất chỉ bằng 1/3 so với năm trước.
Ông Hồ Viết Vịnh, xóm 7, xã Nam Anh, chia sẻ: "Nhà tôi có 100 gốc hồng, có những gốc tuổi đời lên đến cả trăm năm, mỗi năm cho thu hoạch từ 3-4 tấn quả, là cây trồng nuôi sống cả gia đình bao năm qua. Tuy nhiên, năm nay năng suất quả rất thấp, giảm 50% so với năm trước. Hiện gia đình mới thu hoạch được 3 tạ, ước tính cả năm chỉ đạt khoảng 1,5 tấn".
Ông cho biết thêm, ở đây hầu như nhà nào cũng trồng hồng, hộ trồng ít thì 2-3 sào, hộ trồng nhiều từ 1,5-2ha, gồm các loại như hồng trứng, hồng cậy, hồng gáo và hồng ghép... Trong đó, có hai loại chính là hồng trứng, lá dài, quả to và hồng cậy, lá tròn, quả nhỏ.
Theo người dân, nguyên nhân khiến hồng mất mùa chủ yếu là do thời tiết thay đổi, lượng mưa xuân nhiều hơn khiến cây khi ra hoa bị rụng. Thêm vào đó, từ tháng 4 đến tháng 8 thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây hồng.
Ngoài ra, sự xuất hiện của chim, côn trùng... cũng làm cho nhiều quả hồng, dù chưa đến kỳ thu hoạch, đã bị chết héo, hư thối trên cây.
Chị Nguyễn Thị Liên (chủ một đại lý thu mua hồng lớn ở xã Nam Anh), cho hay, thời điểm này năm trước, mỗi ngày chị thu mua khoảng 1,5 tấn hồng. Phần lớn hồng được vận chuyển đến TP. Vinh, Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc tiêu thụ. Song năm nay, dù đang vào mùa thu hoạch nhưng số lượng thu mua ít hơn, chỉ 7-8 tạ/ngày, không đủ cung cấp cho các đầu mối.
“Hồng mất mùa không chỉ người trồng thất thu mà những người làm dịch vụ khác như thu hái, ngâm, phân loại, vận chuyển hồng cũng không có thu nhập” chị Hồ Thị Lan, một thương lái thu mua hồng ở Nam Anh chia sẻ.
Trao đổi với PV. VietNamNet, Hồ Viết Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh (huyện Nam Đàn) - thông tin, toàn xã có gần 200ha đất trồng hồng, trong đó 140ha đang ở kỳ thu hoạch, còn lại là diện tích cây trồng mới.
Sản lượng hồng các loại năm nay mất mùa, chỉ bằng 1/3 so với năm 2022. Tổng sản lượng hồng trên toàn xã Nam Anh đạt khoảng hơn 100 tấn.
“Năm nay thời tiết bất lợi, hồng không đạt sản lượng như những năm trước. Vậy nhưng, giá hồng bán ra lại cao hơn nên người trồng có phần được an ủi. Nếu như năm ngoái giá chỉ 11.000 đồng/kg thì năm nay bán tại gốc đã là 15.000 đồng/kg”, ông Hoa nói.
Kim Chi
Tuyến đường ven biển gần 65km với 8 cây cầu tại tỉnh rộng nhất Việt Nam vượt tiến độ ngoạn mục
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Tinh gọn bộ máy không để xảy ra hiện tượng chạy chọt