Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Ngăn “chảy máu” nguồn thu ngân sách

21-06-2023 09:57|NGUYỄN GIANG

Làm sao để thu đúng, thu đủ, ngăn “chảy máu” nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực thuế thương mại điện tử xuyên biên giới là câu chuyện đã và đang được các cơ quan quản lý Việt Nam tính toán…

thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-cuoi-don-luc-ngan-chay-mau-nguon-thu-ngan-sach-2.png
Dự báo Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026. Ảnh minh họa

tử

Những năm gần đây, thương mại điện tử đang nổi lên như một trụ cột tăng trưởng cho kinh tế số của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu từ Ninjavan, có tới gần 70 triệu người đã trở thành khách hàng mua sắm trực tuyến kể từ sau đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á. Và ước tính số lượng sẽ tăng đến gần 380 triệu người mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á đến năm 2026. Dự báo, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD. Điều này cũng sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan Thuế.

Thực tế hiện nay, sau một thời gian “loay hoay” với việc thu thuế các phương thức kinh doanh mới, đặc biệt là các nhà cung cấp thương mại điện tử có máy chủ đặt ở nước ngoài, nhiều “ông lớn” Facebook, Google, Apple… đã “rút ví” thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để thu đúng, thu đủ lại là một câu chuyện khác, bởi với đặc thù kinh doanh dựa trên nền tảng số là một loại hình kinh doanh rất mới.

Các nước khác quản lý ra sao?

Xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Việt Anh - chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, hiện nay có khoảng 20 quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định đánh thuế đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số như Ấn Độ, Anh, Pháp… Công tác quản lý có nhiều tương đồng cũng như khác biệt giữa Việt Nam và thế giới.

Cụ thể, với thuế gián thu, những điểm tương đồng phải kể đến như yêu cầu nhà cung cấp nước ngoài phải đăng ký thuế giá trị gia tăng và kê khai, nộp thuế; hay như việc thực hiện các nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế thông qua cổng thông tin trực tuyến. Còn về điểm khác biệt giữa Việt Nam với quốc tế, ông Nguyễn Việt Anh chỉ ra đó là sự chênh lệch về thuế suất thuế giá trị gia tăng giữa các nhà cung cấp nước ngoài và các nhà cung cấp trong nước. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang áp dụng miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị thấp.

Đối với thuế trực thu, bên cạnh điểm tương đồng với quốc tế về tỷ lệ đánh thuế thì còn có điểm khác biệt là Việt Nam chỉ mới xác định đây là thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi các nước đã ban hành một số sắc thuế mới (thuế cân bằng, thuế kỹ thuật số…). Mặt khác, hiện nay cũng còn hạn chế về số thu khi áp dụng các hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Để quản lý chặt lĩnh vực này, ông Nguyễn Việt Anh khuyến nghị, đối với thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế cần quy định vai trò của nền tảng số, chợ điện tử trong việc kê khai và nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này.

“Ngoài ra, cần áp dụng thống nhất mức thuế giá trị gia tăng đối với các nhà cung cấp nước ngoài cũng như bãi bỏ việc miễn thuế đối với các hàng hóa có giá trị thấp”, ông Nguyễn Việt Anh nói.

thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-cuoi-don-luc-ngan-chay-mau-nguon-thu-ngan-sach-1.jpg
Quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới là một lĩnh vực mới, không chỉ với Việt Nam mà còn với cả nhiều nước phát triển vẫn gặp khó khăn, lúng túng. Ảnh minh họa

Ở Việt Nam đã dần vào “nề nếp”

Trao đổi thêm về nội dung này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới là một lĩnh vực mới, không chỉ với Việt Nam mà còn với cả nhiều nước phát triển, nhiều quốc gia vẫn gặp khó khăn, lúng túng trong việc quản lý thuế đối với các nền tảng công nghệ lớn hay các sàn thương mại điện tử. Hệ thống thuế nói riêng cũng như quản lý công nói chung vẫn có độ trễ nhất định. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận các công cụ quản lý thường không theo kịp hoặc đi sau sự phát triển của thị trường, bao gồm cả hoạt động thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hiện nay, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và nỗ lực của ngành thuế, hoạt động thu thuế thương mại điện tử đã dần vào nề nếp. Các văn bản, cơ chế chính sách về thuế với thương mại điện tử, việc quản lý người mua, bán trên các sàn, các nền tảng công nghệ đang dần được hoàn thiện.

Cũng theo ông Thịnh, từ tháng 3/2022 Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ thuế và triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đã cho thấy bước tiến lớn trong thu thuế thương mại điện tử, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời cho thấy Tổng cục Thuế đã dần thích nghi với quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, ngoài cơ quan Thuế, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại trong công tác trao đổi thông tin, thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. “Chỉ khi có nguồn thông tin tin cậy cơ quan Thuế mới đưa ra được các giải pháp quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiệu quả”, ông Thịnh nêu quan điểm.

thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-cuoi-don-luc-ngan-chay-mau-nguon-thu-ngan-sach-3.jpg
Để quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam một cách hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh minh họa

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Trao đổi dưới góc nhìn quản lý, ông Nguyễn Bằng Thắng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, để quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam một cách hiệu quả, không chỉ có Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) - cơ quan thực hiện chức năng quản lý thu thuế, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người sử dụng dịch vụ, trong đó phải đảm bảo năm mục tiêu cốt lõi.

Thứ nhất, phải bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng internet trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc gia… trong quá trình quản lý, cung cấp và sử dụng; không để bị động và bị chi phối, kiểm soát nội dung thông tin một cách có chủ đích từ các nền tảng số xuyên biên giới của nước ngoài.

Thứ hai, bảo đảm sự kết hợp giữa phòng, chống thông tin xấu, độc với nâng cao khả năng sàng lọc, tự miễn nhiễm trước thông tin xấu, độc của người sử dụng tại Việt Nam. Nâng cao kỹ năng an toàn, an ninh của người sử dụng tại Việt Nam trên môi trường internet.

Thứ ba, quản lý các kênh thanh toán nhằm hạn chế các nhà cung cấp nước ngoài sử dụng các kênh thanh toán trực tiếp như Visa và Master Card, ví điện tử nhằm hạn chế hành vi trốn thuế.

Thứ tư, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, trên cơ sở thực hiện các quy định hiện hành, đồng thời nhằm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… liên quan các nội dung dịch vụ do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Thứ năm, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xây dựng, hoàn thiện Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” nhằm hệ thống các vấn đề về lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, từ đó đưa ra được giải pháp xây dựng chính sách thuế, quản lý thuế và các pháp luật có liên quan đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam cho giai đoạn từ nay tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.

Đồng quan điểm với ý kiến của đại diện Tổng Cục thuế, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để quản lý chặt hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, lực lượng chức năng cần tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử. Qua đó, kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang bùng nổ, doanh nghiệp hưởng lợi lớn

Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 5: Cần lấp khoảng trống pháp lý

Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 4: Dùng công nghệ "khắc chế" công nghệ

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-cuoi-ngan-chay-mau-nguon-thu-ngan-sach-246072.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Ngăn “chảy máu” nguồn thu ngân sách
POWERED BY ONECMS & INTECH