Xã hội

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nói về vai trò của công an cấp xã

Minh Phát 21/05/2025 - 10:06

Đây là một trong những nội dung thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, chiều 20/5.

Chiều 20/5, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, đã nêu rõ quan điểm liên quan đến việc bổ sung thẩm quyền cho điều tra viên đang là trưởng hoặc phó trưởng công an xã. Theo dự thảo luật, các cán bộ này nếu là điều tra viên trung cấp trở lên và được Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh phân công sẽ có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã, với mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Nêu quan điểm, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ trước hết khẳng định công an cấp xã không phải là một cấp điều tra.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh việc cần sửa đổi các quy định liên quan đến thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Theo ông, những sửa đổi này là cần thiết nhằm bổ sung thẩm quyền ngăn chặn, tạm giữ, tạm giam và áp dụng các biện pháp tố tụng khác cho điều tra viên đang giữ chức trưởng hoặc phó trưởng công an xã – vốn là người thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh – để họ có thể thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công. Ông lý giải: “Bây giờ từ xã đến tỉnh rất xa, nên giao thẩm quyền điều tra viên cấp xã giao luôn nhiệm vụ này thì phù hợp”.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nói về vai trò của công an cấp xã - ảnh 1
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ phát biểu thảo luận tại tổ chiều 20/5. Ảnh: Phạm Thắng

Cũng trong phát biểu, ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cần nghiên cứu quy định rõ ràng hơn, tránh hiểu nhầm rằng công an cấp xã là một cấp điều tra độc lập. “Với góc độ cơ quan điều tra trong công an nhân dân, tôi khẳng định công an cấp xã không phải là một cấp điều tra”, Thượng tướng Tỏ nói. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Công an cũng bày tỏ quan điểm cần làm rõ đây là các điều tra viên thuộc công an tỉnh, được bố trí làm trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã để thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong tố tụng.

Ủng hộ đề xuất của ban soạn thảo, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, khi tổ chức lại đơn vị hành chính và không còn cấp thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện, thì việc phân quyền cho điều tra viên cấp xã là cần thiết. Ông phân tích: nếu không bổ sung thẩm quyền cho công an cấp xã, khi xảy ra vụ việc, lực lượng này chỉ có thể bảo vệ hiện trường mà không thể tiến hành điều tra, phải đợi công an cấp tỉnh xuống làm việc thì rất mất thời gian. Hơn nữa, theo ông Hòa, việc trở thành điều tra viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định, vì vậy có thể yên tâm khi giao thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho lực lượng này.

Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trong báo cáo thẩm tra đã lưu ý rằng việc bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho điều tra viên là trưởng hoặc phó trưởng công an xã là phù hợp với mục tiêu phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể trong dự thảo luật hiện còn chưa đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn với các quy định khác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, hoặc mâu thuẫn nội tại trong chính dự thảo.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất cho phép trưởng hoặc phó trưởng công an xã có quyền quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, như ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại và thu thập dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chỉ thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên mới có thẩm quyền này, và cần có sự phê chuẩn của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định điều tra viên là trưởng hoặc phó trưởng công an xã có quyền áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và khả thi khi triển khai trong thực tế, đặc biệt là những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên thuộc công an cấp tỉnh được phân công đảm nhiệm vai trò lãnh đạo công an cấp xã.

>> Đề xuất mới: Sau sắp xếp, Trưởng Công an xã có thẩm quyền xử phạt như Trưởng Công an cấp huyện

Bố trí Công an cấp xã tối thiểu 12 cán bộ, sẵn sàng hoạt động từ 1/3/2025 sau khi không tổ chức Công an cấp huyện

Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân khiến nhiều người dân 'sập bẫy' lừa đảo trực tuyến

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/thu-truong-bo-cong-an-tran-quoc-to-noi-ve-vai-tro-cua-cong-an-cap-xa-142846.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nói về vai trò của công an cấp xã
    POWERED BY ONECMS & INTECH