Đề xuất mới: Sau sắp xếp, Trưởng Công an xã có thẩm quyền xử phạt như Trưởng Công an cấp huyện
Đây là điểm mới đáng chú ý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sáng 15/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật tập trung điều chỉnh các quy định liên quan đến thẩm quyền lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng và thi hành các biện pháp xử lý hành chính nhằm phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống chính quyền địa phương hai cấp, cơ quan Công an ba cấp (không có cấp huyện) và hệ thống tòa án không tổ chức cấp huyện.
Dự thảo Luật tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung của 63/143 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung 24 điều, sửa kỹ thuật 23 điều (ngoài các điều đã sửa đổi, bổ sung) và bãi bỏ 16 điều của Luật hiện hành, đồng thời bổ sung mới 2 điều. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm điều chỉnh các quy định chịu tác động trực tiếp từ việc sắp xếp, tổ chức bộ máy; đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến phương thức làm việc và hoàn thiện tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc lớn và phổ biến trong thực tiễn thi hành pháp luật.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc bổ sung mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công nghiệp công nghệ số; dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Việc bổ sung này được thực hiện theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương liên quan đến xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, đây cũng là giải pháp cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất với quy định của các luật chuyên ngành có liên quan.

Liên quan đến nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự thảo Luật sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng nâng mức phạt tiền tối đa được áp dụng thủ tục này. Cụ thể, mức phạt được điều chỉnh từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức. Quy định này nhằm tạo thuận lợi hơn cho đối tượng vi phạm cũng như người có thẩm quyền xử phạt, đồng thời góp phần giảm chi phí xã hội khi thực hiện thủ tục nộp phạt, trên cơ sở phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Dự thảo Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp tại Điều 3, cho phép: “Trưởng Công an xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Trưởng Công an cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kể từ khi Luật được thông qua, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các chức danh có liên quan tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định: “Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính; cơ bản thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật”. Việc sửa đổi, bổ sung được cho là chỉ nên tập trung vào những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết để phục vụ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, đồng thời khắc phục những bất cập và hạn chế phổ biến trong quá trình triển khai thi hành luật thời gian qua.
Đối với nội dung quy định về mức phạt tiền tối đa tại Điều 24, Ủy ban nhất trí với việc bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nhằm thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, với những lĩnh vực mới được đề xuất bổ sung, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ lý do và căn cứ xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực cụ thể.
Liên quan đến Điều 56 về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, Ủy ban cũng đồng tình với quy định mới nhằm đáp ứng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong xử lý vi phạm.
>> Bộ Quốc phòng đề xuất giao quyền quan trọng cho Chủ tịch UBND cấp xã