Bất động sản

Thủ tướng đề nghị 'ông lớn' Nhật Bản đầu tư trung tâm logistics tại sân bay của tỉnh nhỏ nhất Việt Nam

Việt Hoàng 18/02/2025 14:00

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải mới đây đã quyết định nâng cấp sân bay này thành cảng hàng không quốc tế cấp 4E.

Mới đây, trong buổi tiếp ông Nagao Yutaka - Chủ tịch Tập đoàn Yamato Holdings (Nhật Bản), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam là một thị trường tiềm năng với quy mô 100 triệu dân, đồng thời đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 800 tỷ USD, trong khi thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ với mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng chi phí logistics tại Việt Nam vẫn còn cao, tương đương khoảng 17-18% GDP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Nagao Yutaka, Chủ tịch Tập đoàn Yamato Holdings - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Nagao Yutaka, Chủ tịch Tập đoàn Yamato Holdings - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để khắc phục điều này, Việt Nam xác định hạ tầng giao thông - vận tải là một trong ba đột phá chiến lược, nhằm cắt giảm chi phí logistics, hạ giá thành sản phẩm, gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng.

Với vị trí địa lý chiến lược, nằm trong khu vực giao thương sôi động bậc nhất thế giới, Thủ tướng khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các loại hình vận tải, từng bước trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics quan trọng của khu vực.

>> Tỉnh sẽ trở thành TP trực thuộc Trung ương thứ 7 của Việt Nam sắp có trung tâm thương mại hơn 2.400m2

Thủ tướng đánh giá cao, Yamato Holdings - một tập đoàn có uy tín, tiềm lực tài chính vững mạnh và công nghệ tiên tiến.

Ông bày tỏ mong muốn doanh nghiệp mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực logistics, vận tải xanh, mà còn ở các lĩnh vực thế mạnh khác như tài chính, bảo hiểm và công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Yamato Holdings hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam, áp dụng những giải pháp tiên tiến nhất trong chuyển đổi số, quản lý thông minh và vận tải, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Song song với đó, ông cũng khuyến khích tập đoàn kết nối với các doanh nghiệp quốc tế khác, thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào ngành logistics Việt Nam, đồng thời hỗ trợ thu hút các nguồn vốn phát triển và tài chính xanh từ Nhật Bản.

Một đề xuất quan trọng được Thủ tướng đưa ra là việc Yamato Holdings phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng trung tâm logistics tại khu vực sân bay quốc tế Gia Bình (Bắc Ninh).

Về phía Yamato Holdings, Chủ tịch Nagao Yutaka cho biết, tập đoàn hiện nắm giữ khoảng 46% thị phần dịch vụ giao hàng tận nhà tại Nhật Bản với hơn 7.000 văn phòng tại 23 quốc gia và doanh thu hàng năm đạt khoảng 10 tỷ USD.

Ông đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam và ghi nhận những điều kiện thuận lợi mà doanh nghiệp nhận được trong quá trình hoạt động tại đây.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động, đặc biệt là tài xế vận tải, Yamato Holdings mong muốn đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo lái xe chuyên nghiệp tại Việt Nam, nhằm cung cấp nhân lực cho thị trường Nhật Bản.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng lên kế hoạch thành lập Phòng thí nghiệm AI tại Việt Nam để nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và chuyển đổi số vào lĩnh vực vận tải.

Mục tiêu của dự án này là nâng cao hiệu quả logistics, đặc biệt trong ngành bán dẫn - một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và đòi hỏi chuỗi cung ứng hiện đại.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Quốc gia này không chỉ là nhà đầu tư lớn mà còn là đối tác cung cấp vốn vay, viện trợ ODA song phương lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba và đối tác thương mại - du lịch lớn thứ tư của Việt Nam.

Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt hơn 42 tỷ USD. Hiện tại, Nhật Bản có gần 5.500 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lên đến 77,4 tỷ USD.

Với nền tảng quan hệ hợp tác bền chặt và sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp Nhật Bản như Yamato Holdings, Thủ tướng tin tưởng rằng ngành logistics Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Bộ Giao thông vận tải mới đây đã quyết định nâng cấp sân bay Gia Bình thành cảng hàng không quốc tế cấp 4E.

Theo quy hoạch mới, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình sẽ được xây dựng tại tỉnh Bắc Ninh, với quy mô cấp 4E, trên diện tích đất dự kiến khoảng 363,5ha. Dự kiến đến năm 2030, cảng này sẽ có công suất thiết kế khoảng 1 triệu hành khách mỗi năm và dự kiến tăng lên khoảng 3 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2050.

Chi phí đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2021-2030 là khoảng 17.682 tỷ đồng, và chi phí dự kiến cho giai đoạn tới năm 2050 là khoảng 12.083 tỷ đồng.
Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam, thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Tính đến năm 2023, tỉnh Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Bắc Ninh là 822,7km2 (chiếm khoảng 0,15% diện tích cả nước), nhỏ hơn gấp 20 lần so với tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước là Nghệ An (16.490,25km2).

>> Dự án 34.000 tỷ của Vinhomes tại huyện sắp lên quận của Hà Nội chuẩn bị có thay đổi lớn

Đô thị đặc biệt của Việt Nam đẩy nhanh loạt dự án, quyết khơi thông 'cửa ngõ' với sân bay lớn nhất Việt Nam

Dự án ‘trái tim’ 35.000 tỷ của sân bay lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/thu-tuong-de-nghi-ong-lon-nhat-ban-dau-tu-trung-tam-logistics-tai-san-bay-cua-tinh-nho-nhat-viet-nam-202250218105209465.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng đề nghị 'ông lớn' Nhật Bản đầu tư trung tâm logistics tại sân bay của tỉnh nhỏ nhất Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH