Thủ tướng: Nắm tình hình, có đối sách kịp thời, bắt kịp 'giờ vàng'
Vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Làm sao nắm bắt tình hình, có đối sách kịp thời, hiệu quả, cũng như trong chữa bệnh có “giờ vàng” - Thủ tướng phát biểu chỉ đạo Bộ KH-ĐT.
Giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng
“Năm 2023 là một năm đầy cảm xúc và ấn tượng nhưng cũng không ít băn khoăn, trăn trở, lo âu. Có lúc thăng trầm, có lúc bùng nổ vì sự biến động của thế giới. Có những chuyển động của thế giới diễn ra không dự báo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 11/1.
Thủ tướng đánh giá, năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn; năng lượng đủ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Thị trường lao động biến động nhưng chúng ta vẫn xoay xở được, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, cả lao động trong nước và xuất khẩu. Chưa bao giờ chúng ta xuất khẩu lao động nhiều như vậy. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách chúng ta kiểm soát được.
“Tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, chúng ta thu hút vốn đầu tư nước ngoài là 36,6 tỷ USD, cao nhất trong bối cảnh đầu tư toàn cầu sụt giảm. Giải ngân cũng đạt kỷ lục với hơn 23 tỷ USD... Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được tỷ giá, thúc đẩy giảm lãi suất", Thủ tướng đánh giá và cho biết thêm, chính sách của chúng ta đi hơi ngược với nhiều nước trên thế giới, trong lúc họ tăng lãi suất, ta giảm lãi suất; trong lúc họ không xuất khẩu lương thực thì chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu lương thực...
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu. Những kết quả này tiếp tục đóng góp và khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Với ngành KH-ĐT, Thủ tướng đánh giá, đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô. Công tác quy hoạch có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và hành động, đáp ứng tiến độ, chất lượng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và mang lại giá trị mới.
“Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tối đa tiềm năng cơ hội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải các khó khăn, thách thức của đất nước và các địa phương. Năm 2023 có thể coi là năm quy hoạch.
Giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng. Đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Đến cuối năm, tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường rất lớn so với số đã rút đi. Đây là bước tiến. Các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi, nhất là những doanh nghiệp liên quan đến bất động sản, phát hành trái phiếu riêng lẻ... ”, Thủ tướng nhận xét.
Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo có bước phát triển mạnh mẽ, định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Với tinh thần tự lực, tự cường, Bộ đã khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và đã thu hút 41 quỹ đầu tư cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023-2025.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng lưu ý, ngành KH-ĐT cần phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn nữa; công tác tham mưu chiến lược trên cơ sở dữ liệu và bám sát diễn biến mới của tình hình; nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn về tổng cầu, tổng cung của toàn thế giới…
Ngành KH-ĐT phải luôn xung kích, tiên phong
Theo Thủ tướng, năm 2024 là năm bứt phá. Chính phủ có đề ra phương châm 16 chữ, nói lên 5 quyết tâm và đề nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu triển khai theo chức năng, quyền hạn của bộ, ngành, sở, cục có liên quan của ngành.
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, ngành KH-ĐT phải luôn xung kích, tiên phong trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các mô hình kinh tế mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với tinh thần bắt kịp đến cùng và vượt lên; góp phần thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Luôn đi đầu trong chuyển đổi số. Luôn đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê nhà nước, hiện đại hóa theo hướng khoa học, phản ánh kịp thời chính xác, đầy đủ, phục vụ ngày càng tốt hơn.
“Công tác thống kê phải coi trọng, phản ánh khách quan, phải đầy đủ, khách quan, không tô hồng, bôi đen; các con số phải trung thực. Nhận định, đánh giá đi sát, đúng và trúng”, Thủ tướng lưu ý.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH-ĐT nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô.
“Vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Làm sao nắm bắt tình hình, có đối sách kịp thời, hiệu quả, cũng như trong chữa bệnh có 'giờ vàng', nếu để quá là hỏng, có khi không cứu nổi”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý tái cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; theo hướng xanh, bền vững. Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là tập trung cho đột phá về nguồn nhân lực.
>> Xử lý khoản nợ 7.000 tỷ đồng của nhà máy đóng tàu Dung Quất
Bà Rịa - Vũng Tàu: 19 doanh nghiệp nước ngoài 'kêu cứu' vì cho rằng bị chủ đầu tư o ép
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Người ta nói chúng tôi ‘đã tự lấy đá ghè chân mình’