Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia

13-07-2023 06:56|Trọng Đạt

Ưu tiên chuyển đổi số của Chính phủ là phát triển dữ liệu, xây dựng CSDL, phát triển các dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng và bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Kết quả tích cực về chuyển đổi số chỉ là bước khởi đầu

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các báo cáo và ý kiến cho thấy một số kết quả tích cực.

Những chuyển biến này được thể hiện thông qua việc nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là về dữ liệu, đầu tư tài chính, cơ sở vật chất và con người, tạo các dịch vụ công, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển của đất nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều CSDL quốc gia, chuyên ngành hiện đã được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Ảnh: Phạm Hải

Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân trong triển khai Đề án 06 và sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những kết quả tích cực này mới chỉ là bước đầu. 

Chỉ ra các tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho biết, nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Nhiều chỉ tiêu chưa có thông tin để đánh giá. Trong các chỉ tiêu có thông tin đánh giá, có một số chỉ tiêu khó hoàn thành. Tốc độ mạng băng rộng cố định, di động vẫn là mức trung bình khá.

Chất lượng dịch vụ công trực tuyến (theo tiêu chí đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, an ninh) còn thấp, chưa đạt kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia còn thấp.

Nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tự chủ trong chuyển đổi số quốc gia. Nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. An toàn, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên nhân và bài học, mà trước hết là vai trò của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì ở phía dưới sẽ có sự chuyển động mạnh mẽ. 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phát triển hạ tầng phải đồng bộ, toàn diện, liên thông, nhanh chóng hiện đại hóa hạ tầng số, tạo động lực, cảm hứng để người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào chuyển đổi số.

Bốn ưu tiên chuyển đổi số của Chính phủ

Nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng khẳng định, phải xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau nhưng phải có ưu tiên. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Phạm Hải

Bốn ưu tiên trong chuyển đổi số được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra gồm: Ưu tiên phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" (dữ liệu là tài nguyên), ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn, ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia) và ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Theo Thủ tướng, xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam. Xã hội số là một trong những nền tảng của xã hội Việt Nam. Văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. 

Để làm được điều đó, cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp,huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Các cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát. 

Thủ tướng khẳng định, Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Do đó cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay về chuyển đổi số

Trước đó, tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã thống nhất đánh giá, từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực.

Báo cáo của Bộ TT&TT cho biết, đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng; xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành tòa án…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hải

Theo đó, TAND Tối cao đã chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT nghiên cứu, triển khai thử nghiệm "trợ lý ảo" đóng vai trò như một thư ký riêng, am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân. 

Việc sử dụng "trợ lý ảo" đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian tra cứu, tìm kiếm, nghiên cứu, xử lý, ra quyết định đối với các vụ án được đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật. Đến tháng 6/2023, TAND Tối cao đã cung cấp hơn 11.600 tài khoản cho thẩm phán và cán bộ, công chức của toà án sử dụng trợ lý ảo…

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy nền sản xuất thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang tại Quảng Ninh hiện đạt 89,13% (trung bình cả nước đạt 75,39%). 100% xã, phường, thị trấn được triển khai Internet băng rộng. Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế Tier-3, hiện được phát triển theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy: Quảng Ninh rất chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đã góp phần quyết định chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của nền hành chính.

Lấy dẫn chứng, ông Cao Tường Huy cho hay, Quảng Ninh vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án của Foxconn Singapore PTE LTD với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD. Cả 2 dự án đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).

Với TP.HCM, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thành phố đã triển khai và đưa vào vận hành Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin thống nhất, kết nối với hệ thống xác thực định danh theo Đề án 06.

Kinh nghiệm của TP.HCM là triển khai nhanh, quyết liệt, tổng thể, đồng bộ và kỷ luật trong tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch và phương án đã đề ra. TP.HCM sẽ sớm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng dịch vụ xác thực định danh điện tử, căn cước công dân trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đã được cải thiện so với năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc sớm hạn của bộ, ngành tăng 10% so với năm 2022, địa phương tăng 8% so với năm 2022.

"Việt Nam cần xây dựng chính phủ AI, thành phố AI"

Hạ tầng viễn thông đóng góp lớn giúp Việt Nam tăng 15 bậc về Chính phủ điện tử

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thu-tuong-neu-ro-4-uu-tien-trong-chuyen-doi-so-quoc-gia-2164708.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia
    POWERED BY ONECMS & INTECH