Bất động sản

Định hình rõ không gian đô thị Hà Nội

Thuỳ Anh 24/07/2024 - 11:10

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thời gian qua TP Hà Nội tập trung vào 3 nhiệm vụ quan trọng là lập hai quy hoạch lớn và triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện quy hoạch.

Việc hoàn thành 3 nhiệm vụ này, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Nhiều định hướng mới về không gian

Đến thời điểm này, Luật Thủ đô 2024 đã được công bố, còn lại hai đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065 đang ở những bước cuối cùng hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sắp tới.

Đối với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển trên địa bàn TP Hà Nội.

Đặc biệt, đồ án có nhiều nội dung mới trong quy hoạch không gian, là cơ hội để Thủ đô hóa giải những áp lực đô thị trong quá trình phát triển thời gian qua.

Trục Nhật Tân - Nội Bài. Ảnh: Trần Dũng
Trục Nhật Tân - Nội Bài. Ảnh: Trần Dũng

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được thực hiện quyết liệt và thận trọng trong từng nội dung công việc. UBND TP đã dành nhiều quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đơn vị tư vấn cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành công việc công phu, bám sát nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về nội dung đồ án, các định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đã tiếp cận vấn đề mới trong quy hoạch và phù hợp với điều kiện xây dựng, phát triển của Thủ đô Hà Nội, giúp liên kết vùng tốt hơn, vị thế của Hà Nội nâng cao hơn.

Đây cũng là mục tiêu mà nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đặt ra, hướng tới xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc, trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết, sau nhiều bước tổ chức lập, đồ án đã được Bộ Xây dựng thẩm định vào tháng 4/2024; được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội và Thành ủy Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 5/2024.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, tiếp thu và đã có báo cáo Bộ Xây dựng, trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện bước cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến vào tháng 9 - 10/2024.

Các trục không gian tạo diện mạo mới cho Thủ đô

Trao đổi về một số điểm mới của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, KTS Trịnh Quang Dũng - Trưởng phòng Quản lý sau quy hoạch (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) cho biết, trong quá trình nghiên cứu lập đồ án, TP đã bám sát 3 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị được ban hành trong năm 2022 để xây dựng những định hướng lớn về phát triển không gian cũng như hạ tầng khung cho Thủ đô trong giai đoạn tới.

Trong đó, kế thừa Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt năm 2011 (Quy hoạch 1259), Hà Nội tiếp tục thực hiện mô hình chùm đô thị gồm: đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh.

Tuy nhiên với lần điều chỉnh này, các đô thị đều được xác định lại quy mô nhằm thích ứng với gia tăng dân số và phân bố dân số phù hợp với thực tiễn. Từng đô thị vệ tinh được xác định chức năng đặc thù và có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên.

Như vậy, hệ thống đô thị của Thủ đô gồm chùm đô thị đa cực, đa trung tâm. Trong đó, đô thị trung tâm gồm đô thị phía Nam, đô thị phía Đông sông Hồng; đô thị TP phía Bắc; đô thị TP phía Tây; đô thị vệ tinh Sơn Tây; đô thị vệ tinh Phú Xuyên; 3 thị trấn sinh thái và 7 huyện lỵ.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, đây là mô hình tạo nên mạng lưới đa trung tâm, đa cực, tạo cơ hội hình thành các trung tâm vùng, quốc gia và khu vực, là động lực để phát triển Thủ đô, đồng thời hạn chế phát triển đô thị lan tỏa, tự phát.

“Các đề xuất cụ thể trong quy hoạch về mô hình cấu trúc nêu trên cùng với thực hiện chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) và đổi mới, phân công, phân cấp trong tổ chức chính quyền Thủ đô, sẽ tạo nên cấu trúc mô hình Thủ đô hiện đại, phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Bên cạnh đó, đồ án đã nghiên cứu việc hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính quan trọng, bảo đảm cho Hà Nội phát triển hài hòa, bền vững, phát triển văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống. Các trục được định hướng nghiên cứu là trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa và trục liên kết phía Nam.

Trong đó, trục sông Hồng được quan tâm đặc biệt, đây sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm TP, bảo đảm phát triển đô thị hai bên sông và tăng cường kết nối giao thông giữa hai bờ Bắc và bờ Nam. TP sẽ đầu tư xây dựng thêm một số cầu kết nối giữa khu vực Long Biên, Gia Lâm và Đông Anh.

Trục Nhật Tân - Nội Bài kết nối lên khu vực sân bay Nội Bài, đi qua huyện Đông Anh. Tại đây sẽ tập trung phát triển những trung tâm tài chính - kinh tế, tạo động lực cho huyện Đông Anh dự kiến sẽ phát triển thành quận. Khu vực sau này sẽ là hạt nhân thành lập TP phía Bắc.

Trục Hồ Tây - Cổ Loa là trục không gian tiếp nối từ phía Cổ Loa với Hồ Tây, tạo thành trục cảnh quan quan trọng liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong khi đó, trục Hồ Tây - Ba Vì là trục văn hóa, cơ bản giữ nguyên định hướng từ Quy hoạch 1259 nhưng tại các đoạn Hồ Tây - Quốc lộ 32, Quốc lộ 32 - Vành đai 4 được nghiên cứu điều chỉnh quy mô mặt cắt và hướng tuyến để phù hợp với thực tiễn, tránh khu vực dân tái định cư, dân cư hiện hữu và các công trình mới đầu tư xây dựng.

Đoạn Vành đai 4 - Ba Vì sẽ tiếp tục triển khai với các định hướng mới để kết nối đô thị trung tâm với TP phía Tây; kết hợp nghiên cứu thêm các điểm TOD. Cuối cùng là trục phía Nam, trục xanh, kết nối đô thị Nam sông Hồng với khu vực phía Nam, liên kết với sân bay thứ hai của TP và quần thể di tích Quan Sơn - Hương Sơn tạo nhiều không gian mở, không gian công cộng.

“Có thể khẳng định với định hướng 5 trục trung tâm của Thủ đô trong quy hoạch, khi quyết tâm tổ chức thực hiện, tương lai không xa Hà Nội sẽ có diện mạo mới "xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại" ngang tầm với Thủ đô các nước và thế giới” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Để thực hiện được các định hướng nêu ra tại đồ án quy hoạch, trong Luật Thủ đô 2024 đã có những chính sách đặc thù liên quan. Để sớm trở thành hiện thực, các bộ, ngành và TP Hà Nội cần sớm cụ thể hóa những chính sách này trong các văn bản dưới luật và quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

>> Luật Thủ đô tạo cơ chế khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo

Luật Thủ đô (sửa đổi): thêm cơ chế cho phát triển nhà ở xã hội

Luật Thủ đô tạo cơ chế khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/dinh-hinh-ro-khong-gian-do-thi-ha-noi.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Định hình rõ không gian đô thị Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH