Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển'
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Các Luật sớm có hiệu lực, nguồn lực sẽ được khơi thông
Ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa 15.
Đây là hội nghị đầu tiên, cách làm mới của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua trên 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 90 quyết định quy phạm pháp luật. Quốc hội cũng đã có nhiều văn bản quan trọng, nhiều chính sách mới, đột phá…
Phó thủ tướng Lê Thành Long trình bày Báo cáo dẫn đề về tình hình triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV - Ảnh VGP. |
Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết công tác phối hợp giữa các bộ ngành, Chính phủ và cơ quan của Quốc hội được thực hiện linh hoạt, chủ động hơn. Do đó, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung kỳ họp, trong đó có những vấn đề gấp, khó, nhưng vẫn bảo đảm thông suốt.
Ví dụ, có dự án trình Quốc hộitheo quy trình 2 kỳ họp nhưng đã vượt tiến độ, trình theo quy trình 1 kỳ họp như Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); có dự án luật được Chính phủ đề xuất soạn thảo theo thủ tục rút gọn với sự quyết tâm cao độ nhằm đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực, sớm đưa quy định luật vào cuộc sống...
Đơn cử là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Điều này góp phần sớm đưa các nội dung đổi mới, tiến bộ, ưu việt của các luật đi vào thực tiễn nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập…
Theo Phó thủ tướng Lê Thành Long, trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần sớm ban hành văn bản quy định chi tiết 120 nội dung được giao; tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của các luật, nghị quyết cho cán bộ, công chức hiểu đúng, hiểu rõ, tạo niềm tin, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
>>GS Nguyễn Mại: Còn nhiều vấn đề cần cải thiện trong môi trường kinh doanh
Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển.
Đại hội 13 của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường... tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.
“Thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển. |
Thủ tướng khái quát "5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước bao gồm: Tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; Tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể; Tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực; Tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; Tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa các rủi ro, tiêu cực.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác này như quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn qua nhiều tầng nấc, làm chậm tiến độ ban hành và tổ chức thực hiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là sự vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực với tâm huyết, trách nhiệm của người đứng đầu mang tính quyết định; bám sát thực tiễn, nhu cầu của nhân dân; chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã làm là có sản phẩm, hiệu quả cụ thể...
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương trình Thủ tướng ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; chuẩn bị kỹ để thực hiện các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; tránh tạo khoảng trống pháp lý.
Ngoài ra, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường giám sát, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức...
Một tỉnh miền Trung đầu tư tiền tỷ khai thác tiềm năng quần thể chè tiến vua 500 tuổi
Thể chế đầy đủ thực tiễn vào nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai