GS Nguyễn Mại: ‘Còn nhiều vấn đề cần cải thiện trong môi trường kinh doanh’
Thừa nhận thực tế các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam nhưng GS Nguyễn Mại cho rằng môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện nhanh hơn.
Nhiều vấn đề cần cải thiện
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam.
Điều này đến từ việc ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an ninh; thị trường mở rộng nhờ thu nhập của người dân tăng nhanh, khoảng 25 - 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu; chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi của chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, kinh tế số, trong khi tiền công chỉ bằng khoảng 1/2 một số nước ASEAN; Nhà nước kiên định cải cách nền hành chính quốc gia…
Các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam. Ảnh: TTXVN. |
Theo đó, nhiều doanh nghiệp FDI liên tục tăng vốn đầu tư, nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như Apple, Goertek, Foxconn, Luxshare đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, năng lượng mặt trời, điện gió, AI, Fintech.
Tuy vậy, GS Nguyễn Mại cho rằng môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện nhanh hơn.
Về thể chế, luật pháp, ông Mại cho biết Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều luật có liên quan đến đầu tư nước ngoài như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Tín dụng, Nghị quyết về thực thi quy định Thuế tối thiểu toàn cầu… Tuy nhiên, vấn đề nổi lên là làm thế nào để các luật, chính sách mới đi nhanh vào đời sống kinh tế - xã hội, được thực thi nghiêm chỉnh trong các cấp, các ngành?
Từ kinh nghiệm của hàng chục năm qua, ông Mại cho rằng có nhiều vấn đề cần được lưu ý khi soạn thảo và ban hành nghị định và thông tư.
Cụ thể, một số nội dung của nghị định và thông tư không phù hợp, thậm chí trái với luật; nhiều nghị định quá dài do lặp lại một số nội dung đã được luật quy định khá rõ ràng.
“Nhìn chung các bộ, ngành quá chậm trễ khi soạn thảo nghị định và thông tư, nên một số luật đã đến thời hiệu thi hành vẫn chưa có giá trị pháp lý. Vẫn còn tình trạng “phép vua thua lệ làng” do một số quy định của bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố trái với luật pháp, vượt quá thẩm quyền, khi được phát hiện thì không xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan”, ông Mại nói.
Theo ông Mại, việc thực thi luật pháp chưa nghiêm nên tình trạng vi phạm vẫn còn nhiều, chậm được phát hiện và xử lý. Một số hiệp hội nước ngoài cho rằng, Nhà nước không cần đề ra chính sách mới mà nên xây dựng chỉ số đo lường về mức độ thực thi chính sách đã có, cái gì đã làm tốt, cái gì cần xem xét lại.
>>Luật Đất đai tác động như thế nào tới môi trường đầu tư và doanh nghiệp
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế
Để tháo gỡ những vướng mắc ông Mại đề nghị cần nhanh chóng ban hành Nghị định thi hành Quyết định của Quốc hội về thực thi Quy định Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam; nghị định sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư và nghị định thuế tối thiểu quốc gia; nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Tín dụng; ban hành thông tư hướng dẫn chuyển đổi sang kinh tế, tuần hoàn, kinh tế số, doanh nghiệp số, tăng trưởng xanh, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm xanh dựa trên quy định tại các FTA thế hệ mới...
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế. |
Ngoài ra, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, luật pháp liên quan đến chủ trương chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, nền tảng chuyển đổi số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng…
Để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, ông Mại cho rằng Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích và bắt buộc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, thúc đẩy việc kết nối, liên thông dữ liệu; cho phép trung tâm dữ liệu được áp dụng cơ chế mua điện trực tiếp tại nguồn, các trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub) được áp dụng các cơ chế đặc thù.
Ngoài ra, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện có, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình; đẩy mạnh triển khai nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm phát triển các sản phẩm "made in Viet Nam"...
Ông Mại cũng nhấn mạnh, các cấp ủy lãnh đạo cơ quan chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, thông qua kết quả cải cách hành chính để xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên; lấy kết quả cải cách hành chính hằng năm làm tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của cơ quan, người đứng đầu cơ quan.
Theo vị chuyên gia này, cần đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, định ra thời hạn buộc các địa phương, cơ quan hành chính thực hiện các thủ tục hành chính tại một trung tâm bằng trực tuyến theo Chính phủ số…
“Cần sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín với nhân dân”, ông Mại nhấn mạnh.
Theo ông Mại, việc thực hiện có kết quả các giải pháp trên đây sẽ góp phần thực hiện định hướng thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả cao hơn để thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số; biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc sớm trở thành hiện thực.
>>“Cắt giảm điều kiện kinh doanh đang chậm lại, có lĩnh vực rào cản còn nặng nề hơn”
Thủ tướng: ‘Tăng trưởng quý II ở mức cao của thế giới’
Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn: Cần biện pháp mạnh mẽ để kích cầu đầu tư, nâng sức cạnh tranh