Thủ tướng: Triển khai hiệu quả "bộ tứ chiến lược"; thực hiện bằng được các mục tiêu lớn
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dù tình hình có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, nhưng đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế và tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên. Thủ tướng chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, với tinh thần kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược đã đề ra.

Sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, được tổ chức ngay sau kỳ nghỉ Lễ 30/4-01/5 và Phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, một số tập đoàn, tổng công ty.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, 4 tháng đầu năm 2025 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5, đến hết quý II và thời gian tới.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, về công tác chỉ đạo, điều hành từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, có 6 điểm nổi bật cần nhấn mạnh.
Thứ nhất, tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; qua đó tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, mở ra không gian phát triển mới và quan trọng nhất tăng cường cho cơ sở, chuyển trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Trình Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các nghị quyết về "bộ tứ chiến lược": Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59), xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66), phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68). Trình Quốc hội 44 dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 9. Trong 4 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 98 nghị định, 132 nghị quyết, 914 quyết định và 13 chỉ thị, 54 công điện.

Thứ ba, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên; tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, trong đó có 9 hội nghị với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước…
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội...; đặc biệt tổ chức khánh thành, khởi công đồng loạt 80 công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ năm, chỉ đạo theo thẩm quyền, tổ chức rất ý nghĩa, thành công hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người dân tập trung rất đông tại lễ diễu binh, diễu hành, thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, ý thức chính trị rất cao, đồng thời rất trật tự, bảo đảm an ninh, an toàn.
Thứ sáu, triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế quan trọng; trong đó góp phần đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước; tổ chức thành công Hội nghị P4G lần thứ tư và Hội nghị Tương lai ASEAN.
Đặc biệt, trước việc Hoa Kỳ đột ngột công bố chính sách thuế quan đối ứng mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động các biện pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực; Việt Nam là một trong những nước đầu tiên được Hoa Kỳ đồng ý đàm phán. Chúng ta đã và đang tích cực chuẩn bị phương án đàm phán và các giải pháp đồng bộ, tổng thể trên các lĩnh vực.

Về kết quả đã đạt được, các đại biểu thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực; tính chung 4 tháng đầu năm 2025 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực, với 8 điểm nổi bật.
Thứ nhất, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Nông nghiệp khắc phục rất nhanh hậu quả sau bão Yagi cuối năm 2024, phục hồi mạnh, phát triển ổn định, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực.
Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 1,4% so tháng 3 và tăng 8,9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 6,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 10,1% (cùng kỳ tăng 6,5%).
Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay, tăng 23,8%.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng bình quân 3,2%; Thu ngân sách nhà nước đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm, tăng 26,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD. An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo trên 3,4 triệu tấn); thị trường lao động tích cực, bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Thứ ba, tập trung đẩy nhanh các dự án kết cấu hạ tầng; bảo đảm hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường ven biển trong năm nay.
Thứ tư, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng; tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 39,7%; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020 – 2025, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư được tăng cường và củng cố.
Thứ năm, triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 57-NQ/TW; trình Quốc hội 13 dự án luật quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ sáu, công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm; hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (khoảng 235 tỷ USD, tương đương hơn 50% GDP) và quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha.
Thứ bảy, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát lan tỏa mạnh mẽ; các địa phương đã nhận được 2.836,8 tỷ đồng hỗ trợ, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được trên 201 nghìn căn, trong đó khánh thành 106 nghìn căn và khởi công mới trên 95 nghìn căn. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024. Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của lao động quý I/2025 đạt 9,4 triệu đồng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 906 nghìn đồng so với cùng kỳ 2024.

Thứ tám, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tiềm lực quốc phòng – an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh với tinh thần tiến cùng, vượt lên và tham gia dẫn dắt cuộc chơi; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam; ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2025; Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,7%.
Tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và cao hơn phương án trước đây
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp. Đánh giá khái quát, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm ngoái và cao hơn phương án trước đây, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả đạt được của các bộ ngành, cơ quan, địa phương, nhất là các cơ quan chủ trì xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành 4 nghị quyết quan trọng; yêu cầu các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần này để thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết và các nhiệm vụ, giải pháp.
Những kết quả đạt được là cơ bản, quan trọng, song Thủ tướng cho rằng, để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng rất lớn do mục tiêu này đang gặp thách thức hơn bởi một số nguyên nhân, trong đó có tác động từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát trước những biến động bên ngoài.
Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế; đầu tư tư nhân còn khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 4 chỉ đạt 45,6 điểm do tác động ngắn hạn của chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ.
Các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng; việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả.
Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới.
Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Tình hình tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp...

Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân kết quả đạt được là do sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp, sâu sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; sự phối hợp, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự quản lý, điều hành đúng hướng, quyết liệt, sát thực tiễn, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, tích cực tham gia của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế, tồn tại, đặc biệt là việc nắm bắt, dự báo tình hình, phản ứng chính sách của một số bộ ngành, cơ quan chưa tốt, Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm.
Theo đó, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; kiên định mục tiêu đề ra và tập trung thực hiện với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Thứ hai, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, khả thi, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; phân công nhiệm vụ bảo đảm 6 rõ "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".
Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao tự lực, tự cường
Định hướng thời gian tới, về bối cảnh tình hình, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng mạnh; nhưng đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, khai mở các thị trường mới; đồng thời vừa là "thước đo", vừa là cơ hội, có thêm kinh nghiệm để tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Tinh thần đặt ra là kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược - đó là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.
Chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch các địa phương trước hết phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, công việc được giao để khắc phục các hạn chế, bất cập đã chỉ ra.
Thứ hai, tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp.
Thứ ba, tập trung thực hiện hiệu quả việc sắp xếp địa giới hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, thực sự chuyển trạng thái từ bị động sang chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự lực, tự cường; hoàn thiện, rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn sáp nhập; rà soát lại toàn bộ việc phân cấp, phân quyền của ngành mình và đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về phân cấp, phân quyền, những gì làm được thì làm ngay.
Thứ tư, tổ chức thực hiện hiệu quả "bộ tứ chiến lược" theo 4 nghị quyết của Bộ Chính trị; khẩn trương trình Quốc hội Nghị quyết và trình Chính phủ chương trình hành động triển khai các nghị quyết 66, 68 của Bộ Chính trị.
Thứ năm, tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ với phương châm "hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ" và trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Khẩn trương ký kết, triển khai các hợp đồng, mua bán hàng hóa với phía Hoa Kỳ.

Cùng với đó, thực hiện các giải pháp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới. Bảo đảm khai thác tốt thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Bảo đảm thường xuyên trao đổi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
Thứ sáu, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó lưu ý tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, tăng cường quản lý thị trường vàng, phòng chống buôn lậu, thao túng, găm hàng, lợi dụng tình hình, Bộ Công an cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hình sự; các cơ quan khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, phấn đấu tăng thu ít nhất 15%; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Phát triển thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Thứ bảy, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Các bộ, cơ quan, địa phương lưu ý đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội. Bộ Công Thương chủ trì đẩy mạnh xuất khẩu và đàm phán, mở rộng các thị trường mới; kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP. Bộ Xây dựng tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đôn đốc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 03 của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ tám, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bộ Tài chính chủ trì phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; phát huy vai trò các đoàn công tác, tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng có biện pháp xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3/2025; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao. Bộ Xây dựng khẩn trương triển khai việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thứ chín, thực hiện tốt chính sách ưu đãi visa, mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp để tăng cường thu hút du khách; sửa đổi Luật Quốc tịch.
Thứ mười, tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài; tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, sớm đưa vào triển khai hơn 2,2 nghìn dự án; đề xuất triển khai áp dụng rộng rãi các cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Nghị quyết 170/2024/QH15.
Mười một, chú trọng các lĩnh vực văn hoá; phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, phát huy sức mạnh nội sinh.
Chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Quốc khánh và Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp này; đặc biệt là chuẩn bị lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành.
Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chuẩn bị khởi công 80 công trình, dự án lớn trên cả nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.
Mười hai, Bộ Xây dựng chủ trì đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Ban Chỉ đạo Trung ương, các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt phong trào thi đua"Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025".
Mười ba, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung hoàn thiện Tờ trình, báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về giáo dục đào tạo. Bộ Y tế tập trung hoàn thiện Tờ trình, báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, công tác dân số và phát triển.
Mười bốn, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đặc biệt chú trọng chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và triển khai hiệu quả các cam kết.
Mười lăm, tăng cường công tác thông tin, truyền thông đặc biệt chú trọng truyền thông chính sách, tổ chức thực hiện phong trào thi đua thực chất, hiệu quả, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, tạo sức lan toả, đồng thuận xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan chuẩn bị kỹ, phục vụ chu đáo kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, thực hiện tốt việc giải trình, trả lời chất vấn của Quốc hội.
>> Thủ tướng: Hoàn thành khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ quan trọng trong tháng 4
Thủ tướng: Hoàn thành khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ quan trọng trong tháng 4
Thủ tướng nêu 11 nhiệm vụ trọng tâm đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD