Thủ tướng nêu 11 nhiệm vụ trọng tâm đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD
Sáng 5/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.
Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm:
Thứ nhất, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước trên 15%. Điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển.
Khẩn trương triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi, dài hạn cho đầu tư hạ tầng chiến lược, công nghệ số; mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ và nhà ở cho người trẻ, người có thu nhập thấp. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.
Đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán. Tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông nghiệp...
Chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Khẩn trương ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới.
Khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
>>Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội: Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ hai, thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh.
Tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, nhất là các cơ chế, chính sách Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn, các đặc khu kinh tế mới...
Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính...
Thứ ba, cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để". Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (2013).
Hoàn thành việc rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30/6/2025.
Rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt "không ngừng, không nghỉ"...
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính. Tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025...
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng "nông nghiệp xanh - sản phẩm sạch - công nghệ cao - thị trường bền vững". Phát triển du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện"...
Thứ năm, phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025, các dự án cao tốc trục Đông - Tây và các dự án quan trọng, động lực khác;...
Hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án điện, truyền tải quan trọng; tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào; phấn đấu tăng trưởng điện năng toàn hệ thống khoảng 12,5 - 13%...
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ sáu, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân…
Tiếp tục đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chuyển từ công tác khám, chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân...
Trong năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu; ban hành chính sách thí điểm thị trường tài sản mã hóa trong tháng 5/2025...
Thứ bảy, phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và nhân dân phải được thụ hưởng thành quả văn hóa.
Trong năm 2025, phải cơ bản xoá bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội. Thành lập "Quỹ nhà ở xã hội quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ...
Thứ tám, tập trung thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; xây dựng khung chính sách quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất hiếm. Sớm triển khai các biện pháp phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết", giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn.
Thứ chín, nắm chắc diễn biến, tình hình khu vực và thế giới, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả các chiến lược, đề án, dự án, pháp luật về quân sự, quốc phòng, an ninh; hoàn thành việc sắp xếp tổ chức quân sự địa phương "tinh - gọn - mạnh"...
Thứ mười, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao trong năm 2025; làm sâu sắc hơn quan hệ song phương; chủ động, tích cực hơn nữa trong các hoạt động đối ngoại đa phương.
Cuối cùng, chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt.
Đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nội dung định hướng quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước năm 2025.
>>Trước khi sáp nhập với Hà Nam và Ninh Bình, tỉnh này vừa đón tin vui về kinh tế
Trước khi sáp nhập với Hà Nam và Ninh Bình, tỉnh này vừa đón tin vui về kinh tế
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia