Doanh nghiệp

Thủ tướng yêu cầu tăng xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

Bảo Trâm 07/08/2023 - 14:17

Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị 24 về đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.

Chỉ thị đưa ra trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo tăng cao do Ấn Độ, Nga, UAE cấm xuất khẩu. Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này trong nước lên cao bất hợp lý.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các bộ, địa phương rà soát quy hoạch, vùng trồng, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm.

Bộ này cùng Bộ Công Thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới; tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. "Cần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống", Chỉ thị của Thủ tướng nêu.

Các bộ đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam và khuyến cáo địa phương, doanh nghiệp, hộ trồng lúa tuân thủ quy định chất lượng lúa, gạo của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Để đảm bảo an ninh lương thực, tận dụng cơ hội xuất khẩu và tránh đầu cơ, trục lợi, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngoại giao kiểm tra, giám sát kinh doanh xuất khẩu gạo. Các bộ theo dõi thị trường thương mại gạo thế giới, động thái các nước sản xuất, xuất khẩu để chủ động điều tiết sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến 27/7, giá thóc nội địa tăng 368-441 đồng/kg so với tháng 6. Giá gạo các loại cũng đắt thêm 850-940 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2022, giá thóc tăng 1.300-1.900 đồng; còn gạo tăng 2.400-3.400 đồng/kg.

"Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước", Thủ tướng nêu quan điểm.

Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu; tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo.

Sau tuyên bố cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới tăng liên tục trong hai tuần qua, cao nhất gần 660 USD một tấn với gạo 5% tấm. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, thu về gần 2,6 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu truyền thống chủ yếu ở châu Á là 3,3 triệu tấn (chiếm hơn 77%), tăng gần 36% so cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường tăng trưởng vượt bậc như EU chiếm 2% tổng sản lượng nhưng đạt hơn 84.000 tấn, tăng 28% so cùng kỳ năm trước.

Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh

Xuất khẩu vượt 5 tỷ USD, vẫn đau đáu chưa có thương hiệu gạo Việt chất lượng cao

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-tuong-yeu-cau-tang-xuat-khau-gao-nhung-phai-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-195566.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng yêu cầu tăng xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực
    POWERED BY ONECMS & INTECH