Thuế giá trị gia tăng (VAT): Kẻ khóc vì bị "giam" tiền, người than mong được áp thuế
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ước tính số tiền doanh nghiệp bị chậm hoàn VAT khoảng 6.000 tỷ đồng.
Thuế giá trị gia tăng (VAT) là nguồn thu lớn nhất của ngân sách, không ngừng tăng qua các năm. Tuy nhiên, sắc thuế này bộc lộ nhiều bất cập khi cả doanh nghiệp được miễn thuế và doanh nghiệp chịu thuế phải “kêu than”. Doanh nghiệp cho rằng Bộ Tài chính cũng phải chốt đề xuất sửa đổi gấp Luật thuế VAT.
Với đặc trưng “mọi hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam đều chịu thuế (trừ một số nhóm hàng hóa được miễn, giảm)”, VAT nhiều năm qua giữ ngôi “quán quân” trong tổng thu ngân sách. VAT tạo dòng tiền đều cho ngân sách khi định kỳ thu hằng tháng, quý. Số thu từ sắc thuế này cũng không ngừng tăng lên.
Năm 2013, thu từ VAT đạt hơn 280.000 tỷ đồng và tăng lên hơn 375.000 tỷ đồng năm 2021, chiếm khoảng 24% tổng thu ngân sách nhà nước. Số tiền hoàn thuế từ mức hơn 91.000 tỷ đồng năm 2013 lên mức 160.000 tỷ đồng năm 2021.
Bộ tài chính cho rằng, thuế là nguồn thu lớn, dễ thu nhưng luật thuế VAT còn một số quy định phức tạp, vướng mắc cho cả cơ quan thuế lẫn người nộp thuế.
Tiêu biểu là chuyện hoàn VAT cho một số ngành như gỗ, tinh bột sắn. Theo thông tin từ các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên tục gửi đơn cầu cứu trước nguy cơ phải đóng cửa bởi giam tiền hoàn thuế. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ước tính số tiền doanh nghiệp bị chậm hoàn VAT khoảng 6.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng cục Thuế cho biết, đã tiếp nhận hơn 5.200 hồ sơ của doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị hoàn thuế và đã trả lời gần hết. Khi làm thủ tục hoàn thuế cho DN ngành gỗ, cơ quan thuế xác định gần 550 hồ sơ liên quan doanh nghiệp trung gian đã “bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động”. Bên cạnh đó, có khoảng 7.000 doanh nghiệp gỗ bỏ địa chỉ kinh doanh nên ngành bị xếp vào danh mục dấu hiệu rủi ro thuế.
Theo Tổng cục Thuế, 7 tháng đầu năm 2023 cơ quan này đã ban hành 9.990 quyết định hoàn thuế, tương ứng số thuế 71.825 tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch.
Người mong được áp thuế
Trái ngược với cảnh khốn khổ vì bị “giam” tiền hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp thuộc diện không phải chịu thuế cũng “than” khó cạnh tranh và mong được áp thuế VAT. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân khiến giá phân bón sản xuất trong nước tăng là toàn bộ chi phí phát sinh về VAT bị tính vào chi phí sản xuất. Ví dụ, doanh nghiệp phân bón đầu tư nhà xưởng, máy móc... đều phải tính thuế VAT.
Tuy nhiên, do giá bán phân bón không tính VAT nên không được khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Điều này khiến doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất nên giá bán bị tăng vọt lên, điều này khiến nông dân phải mua giá cao hơn.
Cử tri một số địa phương như Hải Phòng, Nam Định cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi chính sách thuế VAT với phân bón. Hiện nay, phân bón sản xuất trong nước không áp VAT đã khiến giá cao hơn giá nhập khẩu.
Tại dự thảo xây dựng Luật thuế VAT sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế như hiện hành, sang đối tượng chịu VAT 5%. Theo tính toán, khi áp VAT 5%, doanh nghiệp phân bón sẽ được khấu trừ khoảng 950 tỷ đồng VAT.
Cùng với phân bón, Bộ Tài chính thu hẹp đối tượng không chịu VAT, sửa đổi mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu VAT. Sửa đổi quy định về khấu trừ VAT đầu vào để tăng cường ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế, chống thất thu ngân sách.
Bộ Tài chính nói gì về lo ngại đánh thuế bất động sản thứ 2?
Ngành phân bón năm 2025: Cơ hội bứt phá nhờ hiệu ứng kép từ Luật Thuế VAT