Hiệp hội lương thực, cà phê đồng loạt kiến nghị bỏ VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu
Theo hai hiệp hội, việc áp thuế VAT 5% sẽ làm đọng vốn, khiến doanh nghiệp mất khả năng cạnh tranh.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa gạo và cà phê nhân xuất khẩu ra khỏi danh mục hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% từ ngày 1/7, theo quy định mới tại Luật Thuế giá trị gia tăng.
Theo hai hiệp hội, việc áp thuế VAT 5% đang gây áp lực lớn về vốn và thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Các doanh nghiệp buộc phải nộp VAT trước khi xuất khẩu nhưng không được ngân hàng giải ngân số thuế này, làm dòng vốn lưu động bị tắc nghẽn.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA, cho biết: "Không chỉ mất vốn, quy trình hoàn thuế sau đó còn nhiều ách tắc, khiến doanh nghiệp gặp khó trong quay vòng vốn. Nếu không sớm tháo gỡ, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan, Ấn Độ hay Myanmar – những nước không áp VAT hoặc có cơ chế hoàn thuế nhanh".
6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,45 tỷ USD, giữ vững đà tăng so với kỷ lục năm ngoái.
Tương tự, ngành cà phê cũng đang đối mặt nguy cơ đình trệ. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, cho biết 6 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 1 triệu tấn cà phê, kim ngạch 5,5 tỷ USD – tăng 5% về lượng và 66% về giá trị. Tuy nhiên, việc áp VAT 5% sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn vốn, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh và duy trì thị trường.
Trước đó, năm 2013, cà phê nhân từng bị loại khỏi diện chịu VAT 5% sau khi Luật Thuế VAT 2008 được điều chỉnh, nhằm tránh lợi dụng hoàn thuế và giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với quy định mới, cà phê nhân lại tiếp tục bị đưa trở lại danh sách chịu thuế.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và cà phê Việt Nam như Vinafood 2, Tập đoàn Tân Long, Angimex, Intimex, Simexco Đắk Lắk, Trung Nguyên... đang đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường nhằm tận dụng nhu cầu tăng cao từ các quốc gia châu Á, châu Âu và Mỹ.
Với gạo, các doanh nghiệp đang liên tục ký kết các đơn hàng lớn xuất khẩu sang Philippines, Indonesia, Trung Quốc, đồng thời gia tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo chất lượng cao để nâng giá trị. Tân Long và Trung An còn đẩy mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm đáp ứng các đơn hàng vào thị trường khó tính như EU và Nhật Bản.
Ở lĩnh vực cà phê, những doanh nghiệp như Intimex và Simexco Đắk Lắk đang đẩy mạnh liên kết trực tiếp với nông dân và hợp tác xã để đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh xuất khẩu cà phê nhân, một số doanh nghiệp lớn như Trung Nguyên, Nestlé Việt Nam đang đầu tư mạnh vào chuỗi giá trị chế biến sâu với các dòng sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan xuất khẩu ra quốc tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện vẫn đang phải đối diện với bài toán vốn lưu động khi lượng đơn hàng tăng nhưng khả năng quay vòng vốn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và khả năng mở rộng thị trường. Sự chủ động về vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị chế biến, mở rộng mạng lưới khách hàng toàn cầu chính là những hướng đi sống còn để các doanh nghiệp giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng nông sản quốc tế.
>> 'Vàng đen' của Việt Nam không thể xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp cầu cứu lên Bộ