Tiền gửi của người dân, doanh nghiệp vào ngân hàng giảm tốc trong quý III/2022.
Theo báo cáo tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng Cục Thống kê (GSO), đà tăng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) có dấu hiệu giảm dần trong quý III/2022.
Tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).
Nếu so với thời điểm 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%.
Như vậy, tăng trưởng tín dụng hiện cao gấp 2,6 lần tăng trưởng huy động vốn. Chênh lệch tín dụng - huy động tăng lên mức báo động gây ra áp lực thanh khoản cho nhiều ngân hàng.
Trước xu hướng lạm phát quốc tế vẫn tiếp tục ở mức cao và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất lần thứ năm trong năm nay thêm 0,75% vào ngày 22/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh các mức lãi suất để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Trước áp lực trên, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động trong thời gian vừa qua bao gồm cả 4 ngân hàng quốc doanh (tăng thêm 1 điểm %). Mức lãi suất cao nhất áp dụng tại một số ngân hàng vượt mức 7%/năm, có nơi vượt mức 8%/năm.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tỷ giá USD/VND diễn biến linh hoạt và trong tầm kiểm soát, phù hợp với điều kiện thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn được đảm bảo. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh.