Trước đó, vị Tiến sĩ này cũng bị những kẻ lừa đảo mạo danh để dụ dỗ nhà đầu tư mua cổ phiếu.
Mới đây, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ : "Tôi là chuyên gia về kinh tế và thường xuyên lên diễn đàn khuyến nghị mọi người cần cẩn thận, bảo vệ thông tin tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, chính tôi cũng từng mất tiền vì nhóm lừa đảo".
Vị chuyên gia này kể lại, khoảng 3 tháng trước, tài khoản ngân hàng của ông Hiếu tại ngân hàng N. bị hack mất gần 500 triệu đồng. Theo ông Hiếu, "nhóm lừa đảo mạo danh tôi yêu cầu ngân hàng cấp lại mật khẩu mới. Ngân hàng gửi mật khẩu OTP vào số điện thoại của tôi nhưng thực tế thiết bị nhận được tin nhắn lại là điện thoại Xiaomi. Còn điện thoại của tôi là hãng iPhone và không nhận được mã OTP. Nhóm lừa đảo sau khi nhận mã OTP đã đổi lại mật khẩu tài khoản ngân hàng và nhanh chóng thực hiện rút tiền. Tổng số tiền bị mất lên tới gần 500 triệu đồng". Ông Hiếu cho biết, hiện ông đã làm đơn khiếu nại lên ngân hàng và phía công an. Phía công an cũng đang điều tra vụ việc.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu |
>> Vụ khách mất hơn 300 tỷ tại MSB: Ai bồi thường thiệt hại cho người gửi tiền?
Ông Hiếu nhận định, những vụ lừa đảo mất tiền trong tài khoản ngân hàng diễn ra ngày càng nhiều với số tiền càng lớn.
Theo ông Hiếu, có 2 lý do chính dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất do tội phạm công nghệ càng phát triển. Thứ hai, trong thời buổi kinh tế khó khăn như năm 2023, số lượng tội phạm cũng gia tăng.
Trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đã từng bị những kẻ lừa đảo mạo danh để dụ dỗ nhà đầu tư. Thông tin từ báo Người Lao Động, tháng 12/2023 chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết ông rất đau đầu vì liên tục bị mạo danh hình ảnh, tên tuổi để mời đầu tư chứng khoán, cổ phiếu trên nhiều diễn đàn, đội nhóm chứng khoán.
Không ít nạn nhân đã gọi điện thoại cho ông sau khi bị lừa, mất tiền vì thủ đoạn lừa đảo này ông mới biết hình ảnh, tên tuổi của mình bị mạo danh.
"Nhiều người gọi cho tôi cầu cứu nhưng tôi không giúp được vì không biết các đối tượng lừa đảo là ai, ở đâu? Tôi chỉ biết sau khi các nạn nhân đã bị mất tiền, có người vài chục triệu đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng" - TS Hiếu bức xúc.
Trang mạo danh Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu để lừa đảo nhà đầu tư |
Liên quan đến vấn đề bảo mật tài khoản ngân hàng, trước đó, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS cho rằng, việc bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng gia tăng do các hình thức lấy tiền ngày càng trở nên tinh vi.
Theo ông Sơn, hiện tại, hacker không cần mã OTP mà có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại, bật app ngân hàng và thực hiện chuyển tiền. Cụ thể, thông qua dịch vụ trợ năng (Accessibility Service), một thiết kế của Google trong Android nhằm giúp cho những người khiếm thị hoặc mất khả năng vận động có thể dùng được smartphone đã bị hacker lợi dụng. Hacker sử dụng Accessibility Service để lập trình mã độc đọc được nội dung và tương tác được trên các ứng dụng khác.
Bằng cách này, hacker lừa để người dùng cấp quyền Accessibility cho ứng dụng giả mạo. Sau khi được cấp quyền, ứng dụng giả mạo có thể nằm vùng như một gián điệp, thu thập thông tin, thậm chí điều khiển các ứng dụng ngân hàng, nhập tài khoản, mật khẩu, sau đó là mã OTP để chuyển tiền ngân hàng.
Đồng thời, việc ngăn chặn từ phía ngân hàng ngày càng trở nên khó khăn vì các hacker thường chuyển tiền ngay sang các tài khoản khác sau khi nhận được tiền. Việc chuyển khoản lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác khiến quá trình theo dõi trở nên khó khăn.
Thế nên, theo ông Sơn, rất khó thu hồi tiền ngay cả khi người dùng yêu cầu phong tỏa. Bởi điều này cần phối hợp giữa các ngân hàng nhưng cơ chế chưa có nên ngân hàng này không thể yêu cầu ngân hàng khác tra soát phong tỏa tài khoản trừ khi có sự can thiệp của công an. Thậm chí, đến khâu cơ quan công an yêu cầu phong tỏa tài khoản thì trước đó là rất nhiều bước xác minh. Khi đó, tiền đã chuyển đi nơi khác.
>> Thêm khách hàng tố tài khoản tại MSB 'bốc hơi' gần 28 tỷ đồng
Thêm khách hàng tố tài khoản tại MSB 'bốc hơi' gần 28 tỷ đồng
Khách tố tài khoản 58 tỷ đồng bỗng còn 93 nghìn, Ngân hàng MSB nói gì?