Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tận dụng cơ hội thị trường dịp cuối năm
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 trong đó nêu rõ: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Ảnh minh họa |
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán năm. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 tăng 4,1% so với tháng 9 và tăng 5,6% so với cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 xuất siêu ước đạt 3 tỷ USD, tính chung 10 tháng ước xuất siêu 24,61 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 5,4% so với cùng kỳ (51,34%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 104 nghìn tỷ đồng.
Cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều duy trì đà phục hồi, phát triển tốt. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,1% so với cùng kỳ. Nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu gạo trong 10 tháng đạt 7,1 triệu tấn với kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng 17% về sản lượng, 35 % về giá trị so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng tăng 9,4%. Khách quốc tế đến nước ta tháng 10 đạt 1,1 triệu lượt người, tính chung 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ, vượt chỉ tiêu 8 triệu lượt khách của cả năm 2023.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; công tác an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả; bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân. Thị trường lao động tiếp tục phục hồi; số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10 tăng so với tháng trước.
Phát huy đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Trong tháng 11 và thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phát huy đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; kịp thời, bình tĩnh, sáng suốt trong phản ứng chính sách; tranh thủ, tận dụng các yếu tố thuận lợi, cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm; hóa giải các khó khăn, thách thức; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các động lực mới về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2023.
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao quyết liệt thực hiện các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả để phấn đấu hoàn thành cao nhất 5/15 chỉ tiêu dự kiến khó đạt của năm 2023. Chủ động rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, nhất là những đề án, văn bản trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao sắp đến hạn hoặc đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành; nghiên cứu, lựa chọn các nội dung, vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết, liên quan đến lĩnh vực của bộ, cơ quan, địa phương để đăng ký vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024.
Theo dõi sát diễn biến tình hình để phân tích, dự báo, kịp thời điều hành, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, nâng cao hiệu quả quản lý thu, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi.
Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực hiện phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công, nhất là giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp, đúng quy định, sát thực tiễn, bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động người "Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình khuyến mại, hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu... Mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới. Kịp thời thông tin về thị trường, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, thúc đẩy phát triển logistics để giảm thời gian, chi phí xuất khẩu.
Rà soát toàn diện quy định pháp luật, sửa đổi, bãi bỏ những vấn đề bất cập
Tập trung rà soát toàn diện các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện những quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc (xác định rõ nội dung, quy định pháp luật cụ thể bất cập, vướng mắc, thẩm quyền xử lý) để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do bộ, cơ quan mình ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền. Bộ, ngành nào chưa phân công lại cho đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp chỉ đạo thì phải phân công lại trước ngày 20/11/2023 và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ theo dõi, tổng hợp.
Các bộ tập trung hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cấp quốc gia để trình phê duyệt theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Đối với quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng theo quy định trên cơ sở tích hợp các quy hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt hoặc được thẩm định, bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ, trình phê duyệt trước ngày 31/12/2023.
Đối với quy hoạch tỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch theo quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Các quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong khẩn trương trình phê duyệt ngay trong tháng 11/2023; các quy hoạch tỉnh chưa trình thẩm định thì tập trung nguồn lực để sớm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định theo quy định, phấn đấu trình phê duyệt trong tháng 12/2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trước ngày 20/11/2023.
Quyết liệt hơn nữa trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tập trung rà soát, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Trên cơ sở thực tiễn triển khai tại thành phố Hà Nội và Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến khích các bộ, ngành, địa phương thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin từ nguồn chi thường xuyên trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước giao để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về kinh phí thực hiện Đề án 06.
Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời người lao động chuyển đổi nghề bền vững, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động. Tổ chức triển khai công tác chuẩn bị, chăm lo đời sống người dân trong dịp giáp hạt và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, sạt lở đất
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, ổn định đời sống.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) và kiểm soát giá nguyên vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc.
Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh miền Trung rà soát, chỉ đạo khắc phục nhanh các tuyến giao thông, nhất là các tuyến trọng yếu, bị sạt lở do mưa lũ, bảo đảm thông xe nhanh nhất và an toàn giao thông.
Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để rà soát, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật sau khi được Quốc hội thông qua, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật, không để xảy ra khoảng trống pháp lý và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc này. Chủ động, tích cực theo dõi các nội dung thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri để kịp thời báo cáo, giải trình với Quốc hội và cử tri, trả lời chất vấn về những vấn đề nóng, phát sinh, được dư luận, đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn.
Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội chuẩn bị các điều kiện, thủ tục cần thiết để bảo đảm giải ngân hết số vốn dự kiến bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong năm 2023.
Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; rà soát điều chỉnh ngay kế hoạch đầu tư vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ thực hiện tốt và có nhu cầu bổ sung vốn, việc điều chỉnh hoàn thành trước ngày 15/11/2023 theo đúng quy định của pháp luật; quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để hoàn thành việc giao vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng thời gian quy định.
Chính phủ yêu cầu 21 bộ, ngành, cơ quan Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Kiểm toán Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam) và 33 địa phương (Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau) khẩn trương phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao và điều chỉnh bổ sung. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương nêu trên, báo cáo kết quả tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023.
Dự thảo thí điểm cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Về tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện và tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp cơ sở; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ủy ban Dân tộc khẩn trương xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm thực hiện các cơ chế đặc thù để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp toàn diện cho cấp huyện trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Chính phủ trước ngày 1/12/2023.
Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về đầu tư công, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11/2023.
Các cơ quan chủ chương trình, cơ quan chủ trì dự án thành phần chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 để chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương ngay sau khi kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được cấp có thẩm quyền giao. Các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện phù hợp, hiệu quả.
Hé lộ phương án hợp nhất các vụ, cục ở Bộ Công Thương
Bộ trưởng Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân sai phạm tại các dự án năng lượng tái tạo