‘Thuế quan của Mỹ chưa tác động nhiều đến tăng trưởng GDP quý II/2025’
Hiện thị trường đang quan tâm quá nhiều đến xuất khẩu nhưng trong đóng góp vào tăng trưởng GDP là cán cân thương mại chứ không chỉ kim ngạch xuất khẩu.
Tại tọa đàm trực tuyến “Data Talk - Macro Insight 03: Cơn bão thuế quan càn quét thị trường”, ông Trần Ngọc Báu, Chuyên gia Kinh tế Tài chính, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup cho biết, quý I/2025, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,93% và tốt hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng yếu hơn so với hai quý trước là quý III và quý IV năm 2024.
Con số tăng trưởng quý I là tích cực nhất trong 5 năm, tuy nhiên so với mục tiêu đề ra và trong bối cảnh sự kỳ vọng của cả nhà điều hành lẫn người dân và doanh nghiệp thì con số này nhìn chung vẫn hơi thất vọng vì vẫn còn cách khá xa mục tiêu 8% mà Chính phủ đề ra.
Bên cạnh đó, ông Báu cho biết, hiện thị trường đang quan tâm quá nhiều đến xuất khẩu nhưng trong đóng góp vào tăng trưởng GDP là cán cân thương mại chứ không chỉ kim ngạch xuất khẩu.
Điều này có nghĩa là nếu nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu thì sự suy giảm xuất khẩu chưa chắc đã tác động đến GDP mà nó tác động chéo qua chi tiêu, tiêu dùng của người dân và đầu tư.
Ông Báu phân tích, ngay cả khi thuế tác động tiêu cực đến thu nhập của người dân thì họ cũng có thể lấy tài sản tích lũy để chi tiêu một thời gian. Do đó, thuế quan của Mỹ chưa thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP quý II.
Ông Báu chia sẻ thêm: “Sự thẩm thấu này có thể không diễn ra ngay lập tức mà sẽ kéo dài một đến hai năm vào GDP. Có thể trong từ một đến hai năm tới, GDP sẽ tăng trưởng thấp chứ không chỉ một quý hay một năm”.
>>Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Kinh tế TP.HCM ứng phó thế nào?
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: VnEconomy |
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Linh – Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank VCBF cho biết, thuế quan đối ứng là không thể tránh khỏi và điều mà chúng ta cần làm bây giờ là phải dự phòng các tình huống tiếp theo có thể xảy ra và kế hoạch ứng phó ra sao.
Vị chuyên gia này cho biết, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản mức thuế công bố ngày 2/4 (46%) có thể được áp dụng trong một thời gian vài tuần, thậm chí vài tháng do trước đó phía Mỹ đưa ra quan điểm là "không trì hoãn".
Do đó cần phải đánh giá khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp và các công cụ mà Chính phủ có thể hỗ trợ khẩn cấp trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp có xuất khẩu nhiều sang Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng và tiền là vấn đề cần chuẩn bị để vượt qua được giai đoạn áp thuế này.
Ông Linh tin rằng, đây là mức thuế quan cao nhất, đồng nghĩa với việc nó sẽ giảm trong tương lai nhưng khi nào giảm và giảm bao nhiêu, giảm cho nước nào, giảm cho ngành nào lại là một ẩn số.
Ông Linh nói: “Để có thể thương lượng nó không phải là câu chuyện đơn thuần là giảm thuế ngay lập tức mà phải có lợi ích về tài chính rất hữu hình với Mỹ. Điều này có nghĩa là các nước muốn thương lượng với Mỹ phải có những hợp đồng kinh tế cụ thể và có sự ràng buộc rõ ràng chứ không chỉ là bản ghi nhớ (IOU)”.
>>Việt Nam sẽ tăng trưởng ra sao năm 2025? Dự báo mới nhất từ ADB