Tính riêng quý 2/2022 Masan lãi sau thuế 1.215 tỷ đồng, tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ.
CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 trong đó ghi nhận doanh thu thuần giảm 16% so với quý 2 năm ngoái, về mức 17.834 tỷ đồng. Trong khi đó tỷ lệ giảm chi phí vốn cao hơn, đến 21,4% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ vẫn đạt được tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ, lên 4.967 tỷ đồng.
Trong quý doanh thu tài chính tăng 138% lên mức 585 tỷ đồng chủ yếu do tăng thu lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Còn chi phí tài chính tăng 180 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 1.576 tỷ đồng chủ yếu do tăng lỗ chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Các công ty liên doanh liên kết mang về khoản lãi 1.252 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu do các công ty liên doanh liên kết có kết quả kinh doanh khả quan, tối ưu hoá chi phí dẫn tới lợi nhuận tăng.
Kết quả dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận trước thuế của Masan vẫn tăng 10,5% so với cùng kỳ, lên 1.261 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 15,3% so với số lãi hơn 1.053 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu Masan đạt 36.023 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ. Nhờ tiết giảm, tối ưu chi phí nên lợi nhuận gộp đạt 1.057 tỷ đồng, tăng 9,8% so với nửa đầu năm 2021.
Doanh thu tài chính trong kỳ gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái, lên 1.591 tỷ đồng trong đó thu lãi tiền gửi tăng 136 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá tăng 90 tỷ đồng, doanh thu tài chính khác tăng hơn 370 tỷ đồng, và đặc biệt quý 2 vừa qua Masan ghi nhận khoản 516 tỷ đồng từ đánh giá lại giá trị khoản đầu tư trước đó – là những nguyên nhân chính khiến doanh thu tài chính tăng đột biến.
Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu tà sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu đạt hơn 11.700 tỷ đồng chiếm trên 32% tổng doanh thu. Mặt hàng vật liệu công nghệ cao đath hơn 8.100 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng doanh thu. Nhưng doanh thu lớn nhất đến từ bán lẻ hàng tiêu dùng, đạt 14.244 tỷ đồng, chiếm trên 39,5% tổng doanh thu. Doanh thu trong kỳ giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do giảm doanh thu từ MeatLiffe, từ hơn 9.600 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái xuống còn hơn 1.200 tỷ đồng.
Chi phí tài chính tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 2.872 tỷ đồng dù chi phí lãi vay (2.235 tỷ đồng) đã giảm được 140 tỷ đồng so với cùng kỳ - nguyên nhân do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Giai đoạn cuối quý 2/2022 vừa qua các đồng ngoại tệ trong nước và trên thế giới biến động mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến ngoại tệ. Báo cáo ghi nhận dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đến 30/6/2022 hơn 56.575 tỷ đồng, tăng 12.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, ngoài ra còn khoản dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 13.443 tỷ đồng. Trong số các khoản vay này có 34.500 tỷ đồng vay trái phiếu (15.700 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo và 18.800 tỷ đồng trái phiếu có tài sản đảm bảo).
Đáng chú ý, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ dù doanh thu giảm. Chi phí bán hàng nửa đầu năm lên đến 5.977 tỷ đồng (tăng 10,8%) và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7,5% lên mức 1.946 tỷ đồng. Tuy vậy các công ty liên doanh liên kết lại mang về khoản lãi 2.445 tỷ đồng, tăng đến 24,1% tương ứng tăng 474 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022 Masan lãi trước thuế 3.335 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.110 tỷ đồng, tăng 122,7% so với số lãi gần 1.400 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.
'Gà đẻ trứng vàng' sắp trả cổ tức tỷ lệ 95% bằng tiền, Masan (MSN) thu về gần 6.300 tỷ đồng
Cựu CEO Starbucks Việt Nam đầu quân cho Tập đoàn Masan (MSN), thử sức với ‘đế chế’ Phúc Long