Tiết lộ 23 nguyên tắc quản trị của 'ông trùm giải cứu' Mai Hữu Tín, điều đầu tiên là người đứng đầu doanh nghiệp đừng 'cắt giấy'

30-05-2024 20:49|Mai Chi

Riêng điều số 23, ông Mai Hữu Tín không giải thích gì mà chỉ yêu cầu mỗi người hãy dùng 30 giây để đọc thật chậm, thật kỹ.

Ông Mai Hữu Tín được giới đầu tư biết đến là một nhà đầu tư 'mát tay' với các thương vụ 'giải cứu' thành công nhiều công ty trên bờ vực phá sản như Bồn nước Toàn Mỹ năm 2007 và Giấy Sài Gòn năm 2013 hay gần đây nhất là Gỗ Trường Thành. Trong workshop 'Hướng tới tương lai' được tổ chức bởi Thế Giới Giấy, ông đã chia sẻ 23 quan điểm quản trị được rút ra từ kinh nghiệm thực tế trong suốt quá trình kinh doanh của ông.

23 nguyên tắc quản trị của ông Mai Hữu Tín, người được mệnh danh là 'nhà đầu tư mát tay nhất' hay 'người hồi sinh các doanh nghiệp bên bờ vực'
Doanh nhân Mai Hữu Tín

1- Xử lý vấn đề lớn thay vì lo cắt giấy

Cắt giấy là từ đại diện cho các việc rất nhỏ, là việc của nhân viên văn phòng. Nhiệm vụ của người quản trị là làm những việc lớn hơn. Nghề quản trị là nghề làm những điều mà nhân viên bên dưới không thể làm, việc nắm bắt theo dõi vận hành tổng quát lại hoàn toàn khác. Việc người quản trị tự tay đi làm việc nhỏ là tự gây mất mát nguồn lực của công ty.

2- Lòng can đảm và một chút cứng đầu là điều cần thiết

Làm quản trị không hề dễ, ông Tín cũng cho biết có chút nhạy cảm với câu nói ‘làm giàu không khó’ bởi ông thấy việc đó vô cùng khó. Để làm cho công việc lãnh đạo nhẹ nhàng trôi chảy thì rất đòi hỏi rất nhiều sự hi sinh, cam đảm và đôi khi cần cứng rắn hơn mức cần thiết.

Người làm tốt nhất là người có đủ 3 yếu tố “Tâm - Trí - Chí”, nhưng nếu 3 yếu tố luôn cân bằng thì chúng ta sẽ ko đủ sự quyết liệt, không thể hiện được vai trò quan trọng nhất của người lãnh đạo. Có can đảm làm chuyện lớn, không làm chuyện vặt. Một chút cứng đầu, một chút khó chịu, một chút lì lợm là điều cần thiết ở người làm quản trị.

3 - Quá coi trọng chính mình

Nhiều người khi đã có thành công bước đầu đã có khuynh hướng tự nâng bản thân lên. Theo ông Tín, khi bước lên được 1 cột mốc là chúng ta có thể chăm sóc thêm nhiều người hơn từ gia đình, người lao động, đất nước hay cả nhân loại. Những bước tiến như thế đòi hỏi chúng ta phải tự nâng mình lên, không cho bản thân ảo tưởng về sức mạnh bản thân. Bất kỳ ai trên thế giới chỉ có thể giỏi trong 1 thời gian nhất định, đừng quá coi trọng mình, hãy mang sự khiêm tốn, chân thành để đối xử với những người xung quanh. Nếu tạo ra một phong thái cách biệt hẳn với số đông thì khả năng tiếp thu kiến thức sẽ tụt lùi.

4- Đừng sợ khi phải tự mình giải quyết vấn đề khó

Nếu người quản trị không tự tay dẫn dắt những câu chuyện khó khăn nhất, thì bộ máy sẽ đánh giá thế nào về lãnh đạo? Do vậy, khi có những vấn đề lớn nhất, khó nhất đặt ra trong từng doanh nghiệp thì nhà quản trị nên đứng ra đảm nhận, hoặc phải là người đứng lên chịu trách nhiệm cùng đội ngũ giải quyết .

Đã là doanh nhân, đã làm quản trị thì phải dám đương đầu với những điều khó nhất.

5- Đổi ý là việc bình thường

Không phải việc gì cũng có thể giữ nguyên được theo quyết định ban đầu, mọi việc luôn thay đổi theo thời gian, có những quyết định chúng ta buộc phải thay đổi để không bị lạc hậu. Người quản trị sẽ không thay đổi thường xuyên về mục đích, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của DN, nhưng việc thay đổi quyết định hàng ngày là điều hết sức bình thường.

Không có gì bất biến, miễn là có thể tạo ra được giá trị cho doanh nghiệp, cổ đông, nhân viên và xã hội.

6- Sống kín đáo giúp bạn làm việc hiệu quả hơn

Đừng cố tạo ra một danh tiếng mà chúng ta phải gồng gánh quá sức.

7- Tạo con đường cho riêng mình, vì không ai làm việc đó cho bạn. Hãy tự tạo ra cơ hội cho chính mình.

Học tập không ngừng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của người làm lãnh đạo. Nhưng việc học không phải là ‘copy’ mà phải có sự điều chính, thích ứng cho phù hợp. Người làm quản trị tốt là người tự vẽ ra con đường cho mình, cho doanh nghiệp của mình.

8- Luôn có cách

Khi tham gia xoay chuyển tình thế của 1 vài doanh nghiệp gặp khó khăn trên thị trường, như Bồn nước Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành,... ông Tín luôn có niềm tin là có thể đưa các doanh nghiệp khó khăn này hồi sinh và phát triển.

Trong kinh doanh không bao giờ có chữ: không có cửa, không có cách, không có con đường mà luôn luôn có cách.

Nếu tự thân ko thể giải quyết vấn đề của mình thì sẽ có anh em, bạn bé, cộng đồng. Ông Mai Hữu Tín nhấn mạnh vai trò của việc kết nối, học hỏi, tìm thầy. Đồng thời khi gặp khó khăn nên mạnh dạn bước ra khỏi cái tôi để đi xin hỗ trợ, để được giúp đỡ giải quyết các khó khăn đó.

9 - Cái đơn giản là cái đẹp (Nếu bạn không thể mô tả sự việc được bằng những lời đơn giản thì rất có thể là bạn đang không hiểu sự việc)

Người càng thành công thì sẽ càng tìm cách viết ngắn trở lại, diễn đạt những vấn đề phức tạp bằng các đơn giản nhất, tiết kiệm thời gian nhất để giải quyết được nhiều vấn đề một cách tối ưu nhất. Đây là cách tăng năng suất làm việc của người quản trị.

10- Bạn có thể trở nên giỏi tương đối ở bất kỳ lĩnh vực nào trong khoảng 6 tháng nếu bạn học bằng cách tự làm

Theo Elon Musk: Bạn có thể trở nên giỏi tương đối ở bất kỳ lĩnh vực nào trong khoảng thời gian 6 tháng nếu bạn học bằng cách tự làm.

Hãy tìm cách nâng cao năng suất của chính mình lên, thử tìm cách để mình giỏi lên về công nghệ, không dựa dẫm vào người khác, đừng nghe lại từ nhiều nguồn để rồi phân vân không biết đi theo hướng nào.

11- Luôn nghi ngờ những ai có tầm nhìn rộng hàng triệu cây số và sâu chỉ 1 phân

Người biết nhiều nhưng không sâu sẽ không bao giờ trở thành một chuyên gia, nếu không tự biến mình thành 1 chuyên gia trong lĩnh vực nào đó thì rất dễ bị loại ra khỏi xã hội làm việc này.

12- Cho nghỉ việc những người đã chạm trần và gây cản trở cho việc tăng trưởng

Những người có thể gọi là ‘công thần’, ‘chuyên gia’ nhưng năng lực đã chạm trần và không tiếp tục học hỏi phấn đấu nữa thì sẽ cản trở cơ hội của những người trẻ có thể phấn đấu vươn lên.

13- Nếu bạn nghĩ bạn cần phải trả tiền cho bên ngoài giải quyết một vấn đề hay một nhu cầu cốt lõi trong việc kinh doanh của bạn thì gần như chắc chắn rằng bạn đang thất bại

Doanh nghiệp có thể thuê chuyên gia để giải quyết các vấn đề bên lề, phát sinh của doanh nghiệp nhưng chuyện cốt lõi phải là chuyện của người quản trị.

14- Họp ít người thôi và ra quyết định nhanh chóng

Tùy theo tính chất, nếu họp hàng ngày chỉ nên trong 15 phút, hàng tháng là 1 giờ, hàng quý là 1 ngày và hàng năm thì có thể họp 3 ngày trong một phạm vi ngoài doanh nghiệp để tăng tính sáng tạo. Cần có quy chuẩn rõ ràng về thời gian để tận dụng thời gian.

Khi họp, hãy chọn đúng người và giải quyết đúng vấn đề cốt lõi.

15- Quản lý phục vụ đội nhóm của họ chứ không phải ngược lại

Người làm CEO đứng đầu doanh nghiệp là người lo cho đội ngũ chứ ko phải bắt đội ngũ tôn vinh và phục vụ mình.

Khi những người là đại diện cho các phòng ban tham gia vào ban Giám đốc của công ty thì người đó đang đại diện cho công ty tại bộ phận mình quản lý. Chứ không phải đại diện cho bộ phận mình quản lý trong ban giám đốc công ty. 2 vai trò này hoàn toàn khác nhau.

Từng thành viên của BGĐ đại diện cho công ty nơi họ đang quản lý chứ không nên ngược lại, vì khi họ suy nghĩ bằng tầm nhìn rộng của người đại diện cho công ty thì họ lo cho cái chung của công ty, tính toán làm lợi cho cả công ty.

Còn nếu nghĩ đến vai đại diện cho bộ phận thì họ chỉ đại diện lợi ích của bộ phận mà họ quản lý trong ban giám đốc. Cách nghĩ như vậy sẽ làm tầm nhìn của họ hẹp lại, không đóng góp cho sự phát triển chung của công ty .

16- Hầu hết những người nói rằng họ đã làm được việc gì đó thật ra chỉ là người quản lý người khác làm nên việc. Hãy tìm người thật sự làm nên việc bằng cách hỏi chi tiết. Chức vụ to không nói lên việc họ là người làm chi tiết

Đây là bí quyết để tìm ra chính xác người mà bạn cần để làm cố vấn, chuyên gia cho một công việc cụ thể nào đó.

17- Đội của bạn sẽ đi theo tốc độ mà bạn đặt ra

Người lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp đi với tốc độ nào thì đội ngũ sau lưng sẽ đi với tốc độ đó.

18- Bạn không thể làm việc nhanh nếu tìm cách đồng thuận 100%

Ông Tín thích những cuộc họp có 2 phương án để bàn luận nhưng đã lựa chọn phương án sau cùng thì tất cả mọi người đều phải có nghĩa vụ thực hiện.

19- Không có kế hoạch hoàn hảo. Hãy điều chỉnh khung hành động theo tình hình thực tế

Không có gì là hoàn hảo và không cần phải hoàn hảo bởi chúng ta có thể làm tốt hơn mỗi ngày. Tính cầu toàn tuyệt đối sẽ làm chậm lại bộ máy. Nhà lãnh đạo cần ghi nhớ mục tiêu của doanh nghiệp là tăng trưởng, không tăng trưởng chính là không làm quản trị.

20- Cái tôi luôn tệ

Có những cá nhân, cùng với sự thành công thì cái tôi sẽ bị đẩy lên quá cao. Nhưng một nhà quản trị để cái tôi dẫn dắt suy nghĩ sẽ không thể học hỏi cái mới để phát triển, đồng thời cũng là người dễ tạo ra nguồn năng lượng tiêu cực cho người xung quanh, môi trường làm việc đi xuống.

21- Vui cười nhẹ nhàng luôn có ích

Vùng năng lượng được cải thiện luôn mang lại cảm hứng.

22- Thể thao là bạn của bạn

Phải chơi thể thao, thể thao gắn với dinh dưỡng. Ông Mai Hữu Tín cho biết đang là thành viên của Bio Hacking đang nghiên cứu các phương pháp để duy trì thể trạng con người lên độ tuổi 180.

23- Nói đúng cái mình Nghĩ và Làm đúng cái mình Nói

Ông Tín không giải thích thêm về quan điểm cuối cùng này, ông chỉ muốn mỗi người hãy dùng 30 giây để đọc thật chậm, thật kỹ câu này.

>> Tài tình như Shark Bình: 4 năm trước đã khuyên cháu Chủ tịch Nguyễn Đức Tài bỏ học livestream bán hàng, đoán trúng xu hướng của tương lai

Pizza 4P's: Từ gánh nợ 'triệu đô' đến doanh thu kỳ vọng đạt 1.700 tỷ đồng

'Cuộc chiến' tìm lại tên gọi của Trung Nguyên: Trả mức giá 'trên trời' và bài học không bao giờ cũ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tiet-lo-23-nguyen-tac-quan-tri-cua-ong-trum-giai-cuu-mai-huu-tin-dieu-dau-tien-la-nguoi-dung-dau-doanh-nghiep-dung-cat-giay-236850.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tiết lộ 23 nguyên tắc quản trị của 'ông trùm giải cứu' Mai Hữu Tín, điều đầu tiên là người đứng đầu doanh nghiệp đừng 'cắt giấy'
    POWERED BY ONECMS & INTECH