Tìm người ‘chạy án’, giám đốc H. mất hơn 25 tỷ cho cựu cán bộ TAND Tối cao
Tin lời hứa "chạy án", nữ giám đốc ở Hà Nội đã chuyển hàng chục tỷ đồng cho nhóm người tự xưng có quan hệ với lãnh đạo cấp cao nhưng bị chiếm đoạt toàn bộ.
Ngày 8/7, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử ba bị cáo Nguyễn Thị Hạnh (SN 1982), Lê Nam (SN 1989, nguyên cán bộ TAND Tối cao) và Nguyễn Việt Anh (SN 1971) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, dù không có thẩm quyền hay nhiệm vụ liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thương mại giữa Công ty T. và Công ty P., do bà Nguyễn Thị Xuân H. (SN 1973, Hà Nội) làm giám đốc, các bị cáo vẫn nhận tiền với lời hứa “chạy án” và chiếm đoạt số tiền này.

Trước đó, doanh nghiệp của bà H. đang được TAND quận 1, TP. Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết tranh chấp. Biết được nhu cầu tìm người tác động để sớm lấy lại tài sản, bị cáo Nguyễn Việt Anh đã lợi dụng lòng tin, tung tin có quan hệ thân thiết với lãnh đạo cấp cao, hứa giúp bà H. thắng kiện.
Tháng 12/2021, Nguyễn Việt Anh dẫn bà H. đến gặp vợ chồng Nguyễn Thúy Hạnh và Nguyễn Đình Nghĩa - những người tự nhận có mối quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo cao cấp. Tin tưởng, bà H. đã chuyển tổng cộng 10 tỷ đồng cho Nguyễn Việt Anh với mục đích “chạy việc”.
Tiếp đó, từ 21/12/2021-5/1/2022, bà H. tiếp tục chuyển cho Nguyễn Thúy Hạnh 48 tỷ đồng. Hai bên ký hợp đồng tư vấn, trong đó Thúy Hạnh cam kết sẽ hoàn tất hồ sơ tại Cục Thi hành án TP. Hồ Chí Minh trong vòng 15 ngày để giúp bà H. nhận lại tài sản.
Sau khi nhận tiền, Nguyễn Thúy Hạnh đã nhờ Nguyễn Thị Hạnh can thiệp, chuyển cho người này 41 tỷ đồng cùng hợp đồng ủy quyền để thực hiện “dịch vụ”. Đồng thời, Nguyễn Thị Hạnh liên hệ với bị cáo Lê Nam (cựu cán bộ TAND Tối cao) xin hỗ trợ. Bị cáo Nam hứa sẽ giúp công ty bà H. thắng kiện và nhiều lần yêu cầu chuyển tiền với lý do “lo công việc”.
Cáo trạng cho biết, bị cáo Lê Nam đã nhận 20 tỷ đồng tiền mặt và hai thửa đất đứng tên Nguyễn Thị Hạnh tại quận Hà Đông, trị giá khoảng 5 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ bà H. thắng kiện. Trong một lần trao tiền tại sân TAND Tối cao, bà Hạnh trực tiếp đưa 6 tỷ đồng cho ông Nam, tuy nhiên không có người làm chứng hay biên nhận.
Ngày 25/5/2022, khi bị cáo Nam đỗ xe bên lề đường, ba người đếm và đóng gói tiền vào hai thùng giấy, rồi cùng Thúy Hạnh và Nguyễn Thị Hạnh đặt các thùng tiền lên ghế sau ô tô của ông Nam. Sau đó, ông Nam rời đi mà không ký bất kỳ giấy tờ nào và thông báo thời gian xử lý vụ việc có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.
Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền lớn, cả ba bị cáo không thực hiện cam kết mà chiếm đoạt toàn bộ tiền của bà H. Cụ thể, Nguyễn Việt Anh chiếm đoạt 10 tỷ đồng, Nguyễn Thị Hạnh hơn 10 tỷ đồng, còn Lê Nam lấy 25 tỷ đồng.
Khi phát hiện bị lừa, bà H. đã tố cáo lên cơ quan chức năng. Trong quá trình điều tra, bị cáo Lê Nam gọi điện cho Nguyễn Thị Hạnh dặn dò không khai báo về mình và hứa sẽ “lo liệu công việc” cũng như chăm sóc con cái cho bị cáo Hạnh bên ngoài. Ông Nam còn yêu cầu bà Hạnh thay sim điện thoại, chỉ liên lạc qua sim rác để tránh bị phát hiện.
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Việt Anh phủ nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, dựa trên lời khai của bà H. cùng các chứng cứ khác, cơ quan chức năng kết luận có đủ cơ sở xác định bị cáo đã lợi dụng mối quan hệ tình cảm để chiếm đoạt 10 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Nam cũng khẳng định không tư vấn hay tham gia giải quyết tranh chấp, đồng thời phủ nhận nhận số tiền hơn 20 tỷ đồng. Dẫu vậy, các file ghi âm và dữ liệu điện tử thể hiện bị cáo Nguyễn Thị Hạnh cùng Lê Nam đã dùng thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền dưới danh nghĩa “chạy án”.
Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Công an triệu tập 1.100 đối tượng liên quan đến một đường dây lừa đảo
Ngân hàng Vietcombank có tính năng mới, người dùng nên nắm rõ để phòng chống lừa đảo