Theo báo cáo chiến lược tháng 9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trợ lực chính giúp nâng đỡ VN-Index trong tháng 9 là những thông tin lạc quan về tiến độ tiêm chủng/bao phủ vaccine và câu chuyện nới lỏng các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt như hiện tại.
Được biết, tốc độ tiêm chủng hiện nay tại TP. HCM đang khá tích cực do đó, VDSC kỳ vọng rằng việc tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng có thể giúp thành phố dần mở cửa trở lại và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế trong quý IV. Từ đó, việc nới lỏng các chỉ thị giãn cách hiện hành sẽ khả thi hơn và tác động tích cực lên VN-Index
Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài là mối lo ngại chính, khiến dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài kém lạc quan. Theo VDSC, việc chưa nới lỏng chỉ thị nghiêm ngặt hiện tại trong tháng 9 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra khá lạc quan với khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và mua ròng mạnh cổ phiếu. Tuy nhiên, việc tiếp tục giãn cách mà chưa thể nới lỏng trong tháng 9 sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chung và có khả năng dẫn đến hành động bán chốt lời khi nhà đầu tư nước ngoài đã khá thành công trong việc "bắt đáy" giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 7
Trên thị trường thế giới, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Powell cho biết, Fed có thể bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng trong năm nay, mặc dù sẽ không vội vàng bắt đầu nâng lãi suất. Tín hiệu này cùng với tốc độ tiêm chủng nhanh ở một số quốc gia, giải thích cho xu hướng tăng chung của thị trường toàn cầu.
Do đó, VDSC cho rằng, yếu tố nội tại của Việt Nam trong việc ngăn chặn COVID-19 sẽ quyết định tâm lý thị trường trong khi các yếu tố bên ngoài vẫn ổn định.
TP. HCM đã đủ mức an toàn để nới lỏng giãn cách?
Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP. HCM đặt mục tiêu trong giai đoạn từ ngày 23/8 đến ngày 31/8, thành phố sẽ mở rộng "vùng xanh" trên bản đồ COVID-19.
Trong tháng 8, TP. HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè và quận Phú Nhuận, Quận 5, 7, 11.
Hôm 2/9, huyện Củ Chi và Quận 7 đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Tại 2 địa phương này, "vùng xanh" được mở rộng, số ca mắc và số ca tử vong đã giảm so với trước đây.
Sau hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm kéo giảm khu vực thuộc "vùng đỏ", giữ vững, tiến tới mở rộng "vùng xanh", toàn thành phố có số tổ dân phố thuộc khu vực an toàn là 53%, số lượng khu vực nguy cơ rất cao chỉ còn 18%.
Trong gần nửa tháng TP. HCM áp dụng những biện pháp mạnh nhất để hạn chế sự tiếp xúc giữa người với người, số lượng bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 có thời điểm giảm sâu, nhưng cũng có lúc lên cao.
Từ ngày 30/8 đến ngày 1/9, biểu đồ số ca mắc mới có chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên, vào ngày 4/9/2021, thành phố tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với 8.499 trường hợp.
Những con số trên cho thấy, những chuyển biến trong công tác phòng, chống dịch của thành phố đã xuất hiện, nhưng chưa rõ nét và chưa bền vững.
Trước câu hỏi, thành phố đã tính tới phương án mở lại một số hoạt động tại khu vực đã kiểm soát được dịch, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban kiêm người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP. HCM cho biết: "Việc Quận 7, huyện Củ Chi công bố kiểm soát dịch không đồng nghĩa với việc sẽ nới lỏng các biện pháp đang áp dụng. Việc mở cửa lại các lĩnh vực cần sự đánh giá tổng thể trên bình diện toàn TP. HCM.
Thành phố chưa thể trả lời được câu hỏi, khi nào nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Toàn địa bàn đang tiếp tục phấn đấu cho chặng đường dài từ nay đến ngày 15/9", ông Hải chia sẻ.
Triển vọng cổ phiếu ngành ra sao sau giãn cách xã hội?
Cổ phiếu tốt hưởng lợi đầu tư công sẽ lộ diện sau mùa BCTC quý III/2021