Tin vui cho bệnh nhân HIV: Giá thuốc điều trị mới có thể giảm 1.000 lần, từ 40.000 USD xuống chỉ còn 40 USD
Một nghiên cứu mới cho hay có thể sản xuất thuốc trị cho người nhiễm HIV mới với giá rẻ hơn 1.000 lần so với hiện nay.
Ngày 23/7, tại Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ 25 (diễn ra từ ngày 22 đến 26/7) tại thành phố Munich, Đức, nhóm của tiến sĩ Andrew Hill từ Đại học Liverpool (Anh) đã trình bày một nghiên cứu mới về khả năng giảm chi phí sản xuất thuốc Lenacapavir - một loại thuốc thế hệ mới được dùng để điều trị HIV.
Theo đó, thuốc điều trị HIV hiện nay đang có giá hơn 40.000 USD/người/năm có thể được sản xuất với mức giá 40 USD, tức giảm 1.000 lần dựa trên việc sản xuất hàng loạt để điều trị cho 10 triệu người, có cùng thành phần và quy trình sản xuất.
Cho đến nay, thế giới chưa có vắc xin ngừa HIV. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cho ra đời thuốc phòng bệnh trước khi phơi nhiễm (PrEP), cho phép mọi người tự bảo vệ mình. Lenacapavir giúp phòng bệnh trước khi phơi nhiễm, nó được coi như loại thuốc “giống vaccine". Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt Lenacapavir được dùng trong điều trị những trường hợp mà các loại thuốc HIV khác không hiệu quả hoặc không phù hợp. Người điều trị chỉ cần tiêm 2 lần/năm, đơn giản hơn rất nhiều so với việc uống thuốc hàng ngày.
Mặc dù đây được coi là bước đột phá lớn trong lĩnh vực y tế nhưng nó cũng có nhược điểm chính là giá cả quá đắt đỏ, không phải ai cũng có đủ điều kiện để sử dụng. Loại thuốc này được sản xuất bởi Gilead – “ông lớn ngành Dược tại Mỹ”, hiện có giá 42.250 USD (hơn 1 tỷ đồng) cho 2 liều trong năm điều trị đầu tiên.
Bà Winnie Byanyima - Giám đốc điều hành UNAIDS, cùng nhiều nhà hoạt động cộng đồng đã kêu gọi Gilead đưa Lenacapavir vào Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) do Liên hợp quốc hậu thuẫn, cho phép phiên bản mới với giá rẻ hơn của thuốc này được cấp phép bán ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Tuy nhiên, công ty Gilead hiện chưa tiết lộ sẽ tính phí như thế nào ở các nước đang phát triển, hoặc những quốc gia có thể tiếp cận được các phiên bản mới của Lenacapavir.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, thế giới có khoảng 39 triệu người sống chung với HIV, trong đó 26 triệu người ở châu Phi. Năm 2023, thế giới ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca nhiễm mới HIV, tăng 100.000 ca so với năm 2022.
Mỗi năm, thế giới ghi nhận khoảng 630.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS, riêng châu Phi có khoảng 380.000 trường hợp. Nhiều chuyên gia y tế hy vọng việc phân phối công bằng Lenacapavir đến các quốc gia Nam bán cầu có thể giúp hoàn thành mục tiêu chấm dứt lây nhiễm HIV vào năm 2030.
Nguồn: Theguardian
>>Chính thức có người thứ 7 trên thế giới được chữa khỏi HIV nhờ liệu pháp tế bào gốc