Đây là lần cấp vốn thứ 3 của một tập đoàn lớn vào địa phương này.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024 các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 38 tỉnh thành trên cả nước với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 914,4 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 24,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Sau Hà Nội, Quảng Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 471,1 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư cả nước. Thái Nguyên đứng thứ 3 với 462,67 triệu USD chiếm 10,97%, Tiếp đó là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh,...
Nhà máy Trina Solar tại Thái Nguyên |
>> Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước đã hoàn thành 63% kế hoạch hút FDI cả năm
Tại Thái Nguyên, 2 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký 462,67 triệu USD. Đặc biệt, Công ty TNHH Trina Solar Cell (thuộc Tập đoàn Trina Solar) có vốn đăng ký chiếm phần lớn trong tổng số với 454,417 triệu USD.
Được biết, đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Trina Solar với quy mô sản xuất trên 11.500 tấn thanh Silic đơn tinh thể/năm; 555 triệu sản phẩm tấm Silic đơn tinh thể và 560 triệu tấm pin năng lượng mặt trời/năm trên diện tích 141.000m2.
Trước đó, Trina Solar đã triển khai 2 dự án tại khu công nghiệp Yên Bình với tổng số vốn đăng ký đầu tư 478 triệu USD, gồm: Dự án sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm module năng lượng mặt trời (vốn đầu tư 203 triệu USD) và dự án sản xuất thanh Silic và tấm Silic đơn tinh thể (vốn đầu tư 275 triệu USD).
Ngoài việc cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, từ đầu năm tới nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã thực hiện cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án, trong đó có dự án nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên tăng vốn đầu tư thêm 4,81 triệu USD (từ 27,884 triệu USD lên 32,695 triệu USD).
Như vậy, lũy kế đến ngày 23/02, trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 304 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 170 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 10,8 tỷ USD và 134 dự án đầu tư trong nước (DDI) với số vốn đăng ký đầu tư 17.247 tỷ đồng. Tính chung trên địa bàn tỉnh có 214 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,18 tỷ USD.
Riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 41 dự án FDI được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký trên 253,3 triệu USD; 17 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn đăng ký trên 136,2 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 211 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động, với tổng mức đầu tư 10,72 tỷ USD. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đến từ các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã có mặt và đang đẩy mạnh đầu tư vào Thái Nguyên. Điển hình là các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Sunny, Trinar Solar, Núi Pháo Massan…