Tỉnh có chi phí sinh hoạt rẻ nhất Việt Nam tương lai ‘cất cánh’, sở hữu hệ thống giao thông đồ sộ từ sân bay đến cảng biển
Trong tương lai, tỉnh này sẽ là đô thị loại I và sở hữu hệ thống giao thông đồ sộ bậc nhất Việt Nam.
Tổng cục Thống kê vừa qua đã công bố chỉ số sinh hoạt theo không gian (SCOLI). Chỉ số này là thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế xã hội theo chu kỳ năm. Theo đó, Bến Tre chính là tỉnh có mức sinh hoạt rẻ nhất Việt Nam. So với Hà Nội cao nhất, giá bình quân các nhóm hàng của tỉnh này trong khoảng từ 72,02-101,22%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của Bến Tre ước đạt 4,96%, trong đó khu vực I tăng 2,68%, khu vực II tăng 9,3% và khu vực III tăng 4,96%.
Theo quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng trở thành nơi đáng sống, có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường xanh, sạch. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bến Tre trở thành đơn vụ hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh; các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Cùng với quá trình phát triển đô thị, tỉnh Bến Tre cũng tập trung phát triển toàn diện hạ tầng xã hội. Đặc biệt trong giao thông, tỉnh phấn đấu phát triển toàn diện hệ thống giao thông từ đường bộ, đường thủy đến đường hàng không.
Cụ thể, với đường bộ, Bến Tre sẽ cải tạo, nâng cấp 5 tuyến đường tỉnh hiện hữu và đầu tư mới 10 tuyến đường tỉnh; nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường đô thị, đường huyện theo quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng huyện và liên huyện.
Cùng với đó, tỉnh sẽ nâng cấp và xây dựng mới hệ thống bến xe tại các huyện, thành phố; xây dựng các bãi đỗ xe công cộng trong khu vực trung tâm các huyện, thành phố và tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ, khu hành chính; tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, vườn hoa, các tổ hợp công trình quy mô lớn...
Về đường thủy, Bến Tre sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh sẽ từng bước mở rộng không gian ra hướng Đông để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối với vùng động lực kinh tế phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh.
Tỉnh định hướng xây dựng hệ thống bến cảng theo quy hoạch kết cấu hạ tầng bao gồm các khu bến: Khu bến Giao Long, Khu bến Hàm Luông, Khu bến Thạnh Phú, Khu bến Bình Đại, các bến vệ tinh khác, các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão kết hợp cảng cá.
Cùng với đó, tỉnh Bến Tre sẽ phát triển 24 cảng hàng hóa và 10 cụm cảng, bến hành khách hoặc du lịch phục vụ vận chuyển hành khách, phát triển du lịch trên các tuyến sông chính như sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên…
Về cảng cạn, tỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng 1 cảng cạn tại huyện Bình Đại, tổ chức kết nối chặt chẽ để kết hợp với cảng biển tạo thành hệ thống liên hoàn, sẵn sàng đón nhận các chuỗi cung ứng hàng hóa và phục vụ khu kinh tế biển.
Về phát triển hàng không, trong tương lai, Bến Tre sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đầu tư xây dựng sân bay chuyên dụng ở huyện Ba Tri phục vụ cứu hộ cứu nạn, phát triển du lịch và khu kinh tế ven biển.
Bến Tre là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có tổng diện tích tự nhiên 237.970ha. Phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Vĩnh Long, Nam giáp tỉnh Trà Vinh và phía Đông giáp biển Đông. Hiện Bến Tre có một thành phố trực thuộc tỉnh, 8 huyện và 157 xã, phường, thị trấn.
>> 'Kinh đô' xứ dừa làm dự án KCN hơn 3.500 tỷ, hàng nghìn hộ dân ủng hộ giao đất
‘Ông lớn’ nổi danh ngành xây dựng tiết lộ chi 42.000 tỷ đồng thực hiện 6 dự án tại Bến Tre
Cây cầu ở Bến Tre xây xong 4 năm vẫn chưa được 'khánh thành'