Tỉnh sở hữu đường bờ biển ngắn nhất Việt Nam: Một huyện có diện tích mở rộng qua từng năm, hướng đến là đô thị ven biển bền vững
Địa phương này từ vùng đất mở được khai hoang bởi bàn tay con người gần hai thế kỷ trước, ngày nay đã mang dáng dấp của một đô thị ven biển hiện đại.
Ninh Bình là tỉnh có đường bờ biển ngắn nhất Việt Nam, trong đó Kim Sơn là huyện duy nhất của tỉnh giáp biển. Huyện Kim mang trong mình dấu ấn đặc biệt của vùng đất không ngừng mở rộng nhờ phù sa bồi đắp và công cuộc quai đê lấn biển bền bỉ suốt gần 200 năm qua. Từ những bãi bồi hoang sơ, sình lầy và lau lách, Kim Sơn đã vươn mình trở thành trung tâm kinh tế ven biển trọng điểm của tỉnh, với quy hoạch phát triển hiện đại, đa ngành và bền vững.
Dấu ấn Nguyễn Công Trứ trên vùng đất mở
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình, lịch sử hình thành vùng đất Kim Sơn gắn liền với tên tuổi của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778–1858). Vào năm 1828–1829, khi đang chỉ huy việc quai đê lập huyện Tiền Hải (Thái Bình), ông đã cho người khảo sát vùng ven biển phía Nam Ninh Bình. Nhận thấy nơi đây có địa chất màu mỡ nhờ sự pha trộn giữa cát biển và phù sa, Nguyễn Công Trứ đã khởi xướng công cuộc quai đê, lấn biển để lập nên một vùng đất mới nhằm xóa đói giảm nghèo.
> > Vài tháng nữa, cây cầu đặc biệt kết nối 3 quận khu Nam TP. HCM sẽ được khởi công

Chỉ sau một năm tổ chức triển khai, với sự cộng tác của 63 vị chiêu mộ, thứ mộ và hơn 1.200 nhân đinh, vùng đất Kim Sơn (núi vàng) chính thức hiện diện trên bản đồ địa chính phủ Yên Khánh xưa. Đây là một trong những mô hình điển hình về khai hoang lập ấp do nhà nước phong kiến tổ chức, thể hiện tư duy quy hoạch và cải tạo đất đai rất sớm trong lịch sử.
Từ dấu mốc năm 1829 đến nay, Kim Sơn liên tục mở rộng diện tích tự nhiên nhờ các đợt quai đê lấn biển lớn. Các công trình đê biển mang tên Bình Minh lần lượt được xây dựng qua các giai đoạn: Bình Minh I (1959-1960), Bình Minh II (1981), Bình Minh III (2008) và gần đây nhất là Bình Minh IV hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2020.
Nếu năm 2019, diện tích tự nhiên toàn huyện Kim Sơn chỉ khoảng 21.569ha thì đến năm 2024 đã tăng lên hơn 23.978ha. Con số này chưa bao gồm vùng bãi bồi ngoài đê Bình Minh IV, hiện do huyện quản lý và tiếp tục mở rộng khai thác.
Hệ thống đê biển không chỉ là những công trình phòng chống thiên tai mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Sau mỗi lần đắp đê, diện tích đất sản xuất được mở rộng, tạo điều kiện cho người dân lập làng, nuôi trồng thủy sản, phát triển nông nghiệp và hình thành các đơn vị hành chính mới như Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, Cồn Thoi, thị trấn Bình Minh...
Những bãi bồi xưa kia, từng là chân sóng, giờ đã trở thành trung tâm kinh tế ven biển sôi động. Người dân các xã vùng biển như Cồn Thoi, Kim Đông, Kim Hải đã chuyển đổi từ nghề khai thác tự nhiên sang mô hình nuôi trồng thủy sản hiện đại, tạo ra sản phẩm tôm, cua, cá, hàu giống… cung ứng trong và ngoài nước.
Theo UBND huyện Kim Sơn, riêng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi hiện có hàng nghìn hộ dân đang hoạt động nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, từ đê Bình Minh II đến Bình Minh III có gần 1.000 hộ với diện tích hơn 1.791ha; khu vực tiếp giáp Cồn Nổi có khoảng 5.211ha đang được khai thác hiệu quả.
Diện mạo huyện Kim Sơn ngày nay
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Kim Sơn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 7%/năm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng 8% so với nhiệm kỳ trước, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Kim Sơn luôn dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa, với bình quân hàng năm đạt trên 120 tạ/ha. Lợi thế vùng biển được khai thác hiệu quả, đưa ngành thủy sản trở thành động lực phát triển kinh tế. Năm 2021, tổng sản lượng thủy hải sản toàn huyện đạt gần 30.000 tấn, tăng gấp 6 lần so với năm 2002.
Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp duy trì sản xuất các mặt hàng truyền thống, đặc biệt là hàng may mặc. Tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn toàn huyện tháng 8/2024 ước đạt 6,8 triệu USD, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Với sự tăng trưởng ổn định trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế đến ngày 28/8/2024 đạt 428,931 triệu đồng, đạt 120,3% dự toán UBND tỉnh giao và 94% dự toán HĐND huyện giao. Kim Sơn là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện dự toán ngân sách của tỉnh.
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kim Sơn được xác định là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Huyện tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, với mục tiêu trở thành đô thị loại IV theo hướng sinh thái giàu bản sắc.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đã triển khai các bước lập các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo kế hoạch, như: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị dịch vụ và Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Quy hoạch chung xây dựng Khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, huyện Kim Sơn; hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Phát Diệm đến năm 2035 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Từ vùng đất mở được khai hoang bởi bàn tay con người gần hai thế kỷ trước, Kim Sơn ngày nay đã mang dáng dấp của một đô thị ven biển hiện đại, hội tụ tiềm năng phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái và công nghiệp dịch vụ. Hệ thống đê biển không chỉ là biểu tượng cho ý chí con người vượt lên tự nhiên mà còn là nền móng vững chắc để Kim Sơn tiến bước trên hành trình phát triển bền vững và toàn diện trong tương lai.