Một doanh nghiệp bất ngờ tạm hoãn chia cổ tức để tham gia đấu thầu tuyến đường huyết mạch nối TP. HCM - ĐBSCL
Việc phát hành cổ phiếu thưởng sẽ được thực hiện ngay sau khi hoàn tất chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, dự kiến vào ngày 2/5/2025.
Mới đây, trong văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã: CII) cho biết, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua chủ trương đầu tư vào dự án mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo Công ty CII, do tính chất cấp bách của dự án, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo gửi Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và các cơ quan liên quan, yêu cầu khẩn trương triển khai khởi công trong quý II/2025.
"Để tập trung nguồn vốn chuẩn bị cho việc đấu thầu/đầu tư dự án trọng điểm quốc gia, hội đồng quản trị CII đã thông qua việc tạm thời chưa chi trả cổ tức đợt vào ngày đầu quý II/2025”, đại diện doanh nghiệp cho biết, đồng thời cam kết khoản cổ tức sẽ được chi trả bù vào các quý tiếp theo.

Trước đó, CII đã trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 12% và dự kiến giữ nguyên mức này trong năm 2025.
Ngoài ra, trong thông báo mới nhất, CII cho biết, công ty sẽ triển khai phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 14%.
Việc phát hành cổ phiếu thưởng sẽ được thực hiện ngay sau khi hoàn tất chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, dự kiến vào ngày 2/5/2025.
Được biết, theo đề xuất mới nhất từ nhà đầu tư, dự án mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài khoảng 98km, được chia thành hai dự án thành phần.
Cụ thể, dự án thành phần một được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng. Quy mô mở rộng bao gồm hai đoạn: Đoạn TP. HCM - Trung Lương sẽ được nâng cấp lên 8 làn xe, kèm theo 2 làn dừng khẩn cấp; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (bao gồm cả cầu Mỹ Thuận 2) được mở rộng lên 6 làn xe, cũng có 2 làn dừng khẩn cấp.
Dự án thành phần hai của dự án là công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến để chuẩn bị cho giai đoạn hoàn thiện sau này.
Theo đó, đoạn TP. HCM - Trung Lương sẽ được mở rộng mặt bằng đủ cho quy mô 10-12 làn xe. Phần dự án này được đề xuất sử dụng vốn đầu tư công với tổng kinh phí gần 7.000 tỷ đồng.
Cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận hiện là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP. HCM với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường này giúp rút ngắn thời gian di chuyển đến Mỹ Thuận còn khoảng 1 giờ 45 phút, so với hơn 3 giờ nếu đi theo Quốc lộ 1.
Đoạn TP. HCM - Trung Lương đã được đưa vào khai thác từ 14 năm trước, hiện có quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Trong khi đó, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận mới đưa vào sử dụng cách đây 2 năm với 4 làn xe, nhưng chưa có làn dừng khẩn cấp. Điều này đã bộc lộ nhiều hạn chế trong khai thác, từng ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông.