Dù đã được phê duyệt sử dụng quỹ đất hàng chục năm nhưng các dự án vẫn chưa có dấu hiệu triển khai.
Bất động sản Lâm Đồng là một thị trường có tiềm năng lớn để đầu tư, bởi nhiều yếu tố như khí hậu, thiên nhiên, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đặc biệt phát triển du lịch không bao giờ hết. Tuy nhiên, những năm gần đây địa phương này lại tồn tại khá nhiều dự án "ôm" quỹ đất vàng chậm triển khai.
Đơn cử, theo báo cáo của UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn huyện có 8 dự án trọng điểm. Trong đó, 3 dự án liên quan bất động sản, du lịch với diện tích lẫn vốn đầu tư "khủng" là: Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Sài Gòn Đại Ninh), khu đô thị Liên Khương - Prenn và khu đô thị Nam sông Đa Nhim.
Tổng số vốn đổ vào 3 dự án trên gần 180.000 tỷ nhưng hiện nay, cả 3 dự án đều gặp những khó khăn trong việc triển khai.
Dự án Sài Gòn Đại Ninh
Siêu dự án 25.000 tỷ hoang sơ vắng lặng. Ảnh minh hoạ.
Dự án khu đô thị Thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng trên diện tích 3.595ha.
Đáng lưu ý, khu đô thị Đại Ninh là dự án duy nhất của CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, doanh nghiệp được ông Nguyễn Cao Trí thỏa thuận bán cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát với giá trị 3.000 tỷ đồng.
Tại dự án này đã để rừng bị phá lên đến hơn 257ha và trên 111ha đất rừng bị lấn chiếm. Năm 2017, Sở Tài chính Lâm Đồng có quyết định yêu cầu công ty bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỷ đồng, nhưng đến giữa năm 2020, doanh nghiệp này mới nộp 1,67 tỷ đồng.
Ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ có kết luận 929/KL-TTCP, kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất dự án này và Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã có văn bản gửi nhiều cơ quan chức năng, kiến nghị xem xét lại việc thu hồi dự án.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng gia hạn tiến độ cho dự án 24 tháng và yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn đang tiến hành kiểm tra một số nội dung liên quan dự án. Ngoài ông Nguyễn Cao Trí, những người liên quan dự án là một số lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng như: ông Trần Đức Quận - cựu Bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Văn Hiệp - cựu Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Ánh - cựu Chánh thanh tra tỉnh, đã bị bắt.
>> Doanh nghiệp sở hữu dự án 'mắc kẹt' gần chục năm đặt mục tiêu lãi gấp 10 lần năm trước
Khu đô thị Liên Khương - Prenn
Phối cảnh khu du lịch hồ Prenn.
Khu du lịch hồ Prenn đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu Khu du lịch hồ Pren, với địa điểm tại phường 3, 10 và 11, thành phố Đà Lạt, quy mô diện tích khoảng 1.000ha (trong đó: đất rừng khoảng 679,6ha).
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 141.000 tỷ đồng, thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 và hàng năm.
Khu đô thị này nằm ở vị trí đắc địa khi nằm giữa sân bay Liên Khương lên TP Đà Lạt, qua cao tốc Liên Khương và đèo Prenn. Tuy nhiên hiện nay, quy hoạch chung đô thị Đức Trọng chưa được triển khai lập đồ án, phê duyệt làm cơ sở lập quy hoạch phân khu để đảm bảo điều kiện kêu gọi thu hút đầu tư.
Hội đồng thẩm định đã tổ chức họp thẩm định đồ án quy hoạch. UBND tỉnh cũng đã thống nhất phương án tiếp nhận kinh phí tài trợ để đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch phân khu Khu du lịch hồ Prenn.
Đồng thời giao Sở Xây dựng tích hợp các nội dung, phương án, chỉ tiêu quy hoạch đồ án quy hoạch phân khu Khu du lịch hồ Prenn trong quá trình tổ chức lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Khu đô thị Nam sông Đa Nhim
Đã có liên danh nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án này.
Khu đô thị này có tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất gần 154ha, vốn đầu tư gần 11.843 tỷ đồng. Đầu tháng 11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định chấp thuận liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, Công ty CP Phát triển bất động sản An Phúc và Công ty CP Bất động sản Hano - Vid.
Theo UBND huyện Đức Trọng, cuối tháng 12/2023, nhà đầu tư dự án đã nộp 10 tỷ đồng tiền ứng trước phục vụ cho công tác kiểm đếm, đo đạc, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tiến độ triển khai thực hiện dự án chậm. Đến nay, nhà đầu tư chưa tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý và địa phương trong việc xác định phạm vi, ranh giới thực hiện dự án để làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định.
Do vậy, UBND huyện Đức Trọng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, phối hợp với UBND huyện trong việc thực hiện các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
>> Dự án kênh đào khổng lồ 1,7 tỷ USD đi qua 4 tỉnh có nguy cơ làm thay đổi dòng chảy sông Mekong
Tỉnh ở Tây Nguyên trở thành địa bàn chiến lược để TKV 'rót' hơn 35.700 tỷ cho dự án bauxite - alumin