Tỉnh được mệnh danh là VN thu nhỏ, là quê hương của người phụ nữ duy nhất được UNESCO vinh danh
Tỉnh miền Trung này nổi bật với địa hình đa dạng bao gồm biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi. Chính vì thế, tỉnh này được coi là "Việt Nam thu nhỏ".
Theo thông tin từ Báo Chính phủ, Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính đề xuất 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp; 11 đơn vị không thuộc diện sắp xếp. 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp gồm thành phố Hà Nội, thành phố Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhắc đến Nghệ An, người ta thường nhớ ngay đến tỉnh rộng nhất Việt Nam với diện tích hơn 16.489km2, dân số hơn 3,4 triệu người.
Về tình hình kinh tế xã hội của Nghệ An, theo Cục Thống kê của tỉnh này, năm 2024 đạt hơn 216.943 tỷ đồng (tương đương hơn 8,54 tỷ USD); đây là năm đầu tiên, quy mô nền kinh tế Nghệ An vượt mốc 200 ngàn tỷ đồng. Năm 2025, Nghệ An đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 2 con số để đưa quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng.
Được ví như Việt Nam thu nhỏ
Nghệ An nổi bật với địa hình đa dạng bao gồm biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi. Chính vì thế, tỉnh này được coi là "Việt Nam thu nhỏ". Sự đa dạng về địa hình là cơ hội lớn để Nghệ An phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.

Về tài nguyên thiên nhiên, Nghệ An sở hữu một bờ biển dài 82km với nhiều bãi biển nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Diễn Thành, Cửa Hiền… Với đặc trưng sóng êm, nước biển trong xanh, độ sâu lý tưởng cùng cung đường ven biển đẹp mộng mơ, một bên là núi cao một bên là biển rộng, các bãi biển của Nghệ An là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, mùa du lịch hè là thời điểm các bãi biển chật kín người.
Bên cạnh đó, Nghệ An còn nổi bật với hệ thống hang động tự nhiên và thác nước kỳ vĩ như Hang Bua, Thẩm Ồm, Thẩm Chàng (huyện Quỳ Châu), thác Khe Kèm (huyện Con Cuông), thác Sao Va, thác Bảy Tầng (huyện Quế Phong)… cùng các điểm đến nổi tiếng khác như đỉnh Puxailaileng và cổng trời Mường Lống (huyện Kỳ Sơn). Những cảnh quan thiên nhiên này là điểm đến lý tưởng cho những người đam mê khám phá, trekking và chinh phục thiên nhiên hoang dã.

Ngoài các tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, Nghệ An còn tự hào sở hữu Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, được UNESCO công nhận vào năm 2007. Đây là khu vực bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng, với trung tâm là Vườn Quốc gia Pù Mát, nằm chủ yếu ở huyện Con Cuông. Pù Mát đang là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên, tham gia các hoạt động như đi bộ, chèo thuyền và trải nghiệm đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh các lợi thế về địa hình và tự nhiên, Nghệ An còn là tỉnh có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, được mệnh danh là vùng đất hiếu học khoa bảng, địa linh nhân kiệt. Tỉnh sở hữu hơn 2.000 di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có 147 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt, Nghệ An có bốn di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt bao gồm Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên (nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Di tích cột mốc Km số 0 của đường Hồ Chí Minh và Di tích Đình Hoành Sơn.

Ngoài ra, Nghệ An còn là nơi có 29 lễ hội truyền thống, trong đó có 7 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa độc đáo của mảnh đất này.
Quê hương của "bà chúa thơ Nôm"
Một trong những điểm nhấn nổi bật của Nghệ An chính là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài, danh nhân văn hóa thế giới, trong đó có “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương sinh vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà nổi tiếng là người thông minh, sắc sảo và rất nhanh nhạy trong ứng biến. Dù vậy, cuộc đời bà lại đầy những trắc trở và nỗi éo le. Những tâm tư, nỗi lòng ấy được Hồ Xuân Hương gửi gắm trọn vẹn vào thơ ca. Như nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét, thơ của bà chính là đời sống của Hồ Xuân Hương, là hồn và xác, là những cảm xúc sâu sắc của bà, là nụ cười, là nước mắt, là sự tồn tại chân thực của số phận và cá tính độc đáo của bà.
Bà để lại một gia tài văn chương phong phú với khoảng 150 bài thơ, trong đó có tập thơ "Lưu Hương Ký" bao gồm 24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm, cùng với hơn 100 bài thơ mang đậm dấu ấn phong cách dân gian tự do và phóng khoáng. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là bài thơ Bánh trôi nước, được đưa vào chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa, trở thành một biểu tượng trong kho tàng thơ ca Việt Nam.
Ngày 23/11/2021, Đại hội đồng UNESCO đã quyết định vinh danh và kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. UNESCO đánh giá bà là một tác giả với tư tưởng nhân văn sâu sắc, đặc biệt là đấu tranh cho quyền sống và quyền con người. Bà là nữ sĩ duy nhất trong số bảy danh nhân văn hóa Việt Nam được tổ chức này vinh danh, khẳng định tầm ảnh hưởng và vị thế của bà trong nền văn học thế giới.
Với những đóng góp không thể phủ nhận cho nền văn học nghệ thuật, Hồ Xuân Hương đã trở thành một danh nhân văn hóa toàn cầu. Tên tuổi của bà không chỉ gắn liền với những giá trị văn hóa lớn lao mà còn được khắc ghi trong tên gọi của nhiều trường học, con phố và giải thưởng văn học, như một cách thể hiện lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với người phụ nữ tài ba này.