Tỉnh duy nhất của Việt Nam được bao bọc bởi 4 con sông sẽ đầu tư hơn 15.000 tỷ phát triển cụm công nghiệp
Đến hết năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu có khoảng 50% cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 70% diện tích đất công nghiệp cho thuê.
Theo Báo Đầu tư, UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Kế hoạch thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030, với mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và nâng cao hiệu quả khai thác.
Cụ thể, đến hết năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu có khoảng 50% cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 70% diện tích đất công nghiệp cho thuê.
Đồng thời, 100% cụm công nghiệp đi vào hoạt động phải được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - đặc biệt là hệ thống bảo vệ môi trường và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
>> Tiểu Paris của Việt Nam sẽ đấu giá lại khu đất vàng Thủy Tạ hơn 3.800m2

Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Về nguồn vốn, tỉnh sẽ bố trí ngân sách theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, kết hợp với nguồn vốn hàng năm từ các huyện, thành phố để ưu tiên hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp đang triển khai hiệu quả như CCN Thị trấn - An Đức, CCN Tân Thành Bình, CCN - TTCN Phong Nẫm.
Việc đầu tư có trọng điểm này nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa và làm nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp toàn tỉnh.
Về chính sách đầu tư, tỉnh sẽ áp dụng các tiêu chí ưu tiên để thu hút các dự án phù hợp, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng và tham gia đầu tư thứ cấp trong các cụm công nghiệp.
Về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh cam kết phát triển đồng bộ cả hệ thống trong và ngoài hàng rào các cụm công nghiệp, đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tổng kinh phí dự kiến để đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn từ nay đến năm 2030 là khoảng 15.071 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước chi khoảng 5.291,1 tỷ đồng, phần còn lại - gần 9.780 tỷ đồng - dự kiến thu hút từ nguồn lực doanh nghiệp.
UBND tỉnh Bến Tre giao Sở Công Thương làm đầu mối chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch, đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả lên UBND tỉnh.
Hiện nay, Bến Tre đã thành lập 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 268,4ha. Theo Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ mở rộng 3 cụm công nghiệp (Phú Hưng, Tân Thành Bình, Bình Thới) với diện tích tăng thêm 134,6ha và quy hoạch mới 7 cụm công nghiệp khác với tổng diện tích 515ha.
Bến Tre nằm ở hạ lưu sông Mekong, giáp với biển Đông, với mạng lưới sông ngòi chằng chịt có tổng chiều dài xấp xỉ 6.000km. Đây là tỉnh duy nhất của Việt Nam được bao bọc bởi 4 con sông, trong đó có sông Cổ Chiên dài 82km, sông Hàm Luông dài 71km, sông Ba Lai dài 59km, sông Tiền dài 83km.
>> Một tập đoàn Hàn Quốc đề xuất đầu tư dự án điện khí LNG 4 tỷ USD tại Ninh Thuận
‘Cái khó’ của cán bộ, công chức Bến Tre khi sáp nhập với Vĩnh Long, Trà Vinh
Đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ có thêm cụm công nghiệp xanh mới hơn 1.000 tỷ