Vĩ mô

Tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương tăng trưởng ra sao trong năm qua?

Phúc Lam 04/02/2025 12:18

Năm 2024, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự ủng hộ, hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Tỉnh ủy; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Chiều 6/1, Cục Thống kê Lâm Đồng tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2024.

Theo Cục Thống kê Lâm Đồng, năm 2024, ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 4,02% (kế hoạch đặt ra 7,2 – 7,8%) so với cùng kỳ, xếp thứ 61 trên cả nước và xếp thứ 4 khu vực Tây Nguyên.

Trong đó, khu vực 1 nông, lâm và thủy sản đạt 22.115 tỷ đồng, tăng 4,19%, đóng góp 1,51 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của GRDP; khu vực 2 về công nghiệp, xây dựng đạt hơn 10.811 tỷ đồng, tăng 0,37%; khu vực 3 dịch vụ đạt trên 25.762 tỷ đồng, tăng 6,24% so với năm 2023, đây là khu vực có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất ở 3 khu vực.

Đáng chú ý, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP các năm từ 2020 đến 2024 lần lượt là 6,66%, 6,64%, 7,44%, 7,81% và 8,01%. Trung bình, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GRDP giai đoạn này đạt khoảng 7,29%/ năm.

Năm 2024 với tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 8,01% đã giúp Lâm Đồng xếp vị trí thứ 21 trên cả nước và đứng đầu vùng Tây Nguyên.

Đối với vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước đạt hơn 33.415 tỷ đồng; thu ngân sách đạt hơn 13.175 tỷ đồng, bằng 93,11% dự toán địa phương và tăng 1% so với cùng kỳ; hơn 1.200 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024.

Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thống kê tỉnh, bà Trương Thị Mộng Di cho biết, trong năm qua, điểm sáng trong bức tranh kinh tế là ngành nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển; thu nhập bình quân đầu người tăng dần, từ 77,48 triệu năm 2022 đến năm 2024 tăng lên 98,96 triệu đồng người/năm.

Tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương tăng trưởng ra sao trong năm qua?

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng

Năm 2024 là năm không ít khó khăn đối với Lâm Đồng. Nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế đạt thấp là do thời tiết, bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp và một số hạn chế chủ quan từ giải ngân vốn đầu tư công, khó khăn trong việc triển khai chính sách về khai khoáng,...

Nhìn chung, trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của Lâm Đồng tăng trưởng hầu hết ở các ngành, khu vực; an sinh xã hội; giảm nghèo; giải quyết việc làm; an ninh trật tự được đảm bảo.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích. Do vậy, trong năm 2025, tỉnh sẽ tập trung xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025 của từng ngành, lĩnh vực, địa phương ở mức hai con số để đóng góp cho tăng trưởng cao của cả tỉnh. Trong đó, các địa phương gồm: Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung cả tỉnh.

Ngoài ra, các ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2025; trong đó, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; phấn đấu đến ngày 31/12/2025 giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh đó, năm 2025, địa phương sẽ tập trung phát triển hạ tầng thông tin truyền thông; chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững; thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp; thúc đẩy khai thác hiệu quả công suất sản xuất của các nhà máy thủy điện; tìm kiếm nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm;...

Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng phấn đấu đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây cũng là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên được quy hoạch sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

>>Một địa phương sẽ lên Thành phố trực thuộc Trung ương sắp có cầu vượt sông 250 tỷ đồng

Việt Nam có vị thế ‘độc nhất, vô nhị’ để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực

Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa Đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tinh-duy-nhat-o-tay-nguyen-se-len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-tang-truong-ra-sao-trong-nam-qua-274331.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương tăng trưởng ra sao trong năm qua?
    POWERED BY ONECMS & INTECH