Tỉnh giàu nhất miền Tây sẽ đón khu công nghiệp sạch, tổng hợp đa ngành quy mô hơn 300ha
Khu công nghiệp này sẽ tập trung vào công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường.
Long An - một trong năm tỉnh giàu nhất miền Tây vào năm 2022, tiếp tục duy trì đà phát triển kinh tế với thu ngân sách năm 2023 đạt 21.000 tỷ đồng và thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng trưởng so với cùng kỳ.
Hiện tại, tỉnh Long An có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, với tổng diện tích đất công nghiệp là 4.278ha, trong đó diện tích đã cho thuê đạt 2.899ha, tương đương tỷ lệ lấp đầy 67,7%. Tỉnh còn khoảng 650,5ha đất sạch có thể cho thuê trong các khu công nghiệp này, với giá thuê đất dao động từ 140-300 USD/m2/chu kỳ thuê.
Tại kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa X, nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho khu công nghiệp Bình Hòa Nam 1 đã được thống nhất thông qua. Khu công nghiệp này sẽ nằm tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, với quy mô 322,3ha.
Vị trí quy hoạch cách ranh giới TP. HCM khoảng 30km, phía Bắc giáp kênh Lâm Hải và đường huyện lộ, phía Nam giáp kênh nước T8 và xã Tân Lập (huyện Thủ Thừa), phía Tây giáp nhà máy điện năng lượng mặt trời và phía Đông giáp khu đất trồng cây nông nghiệp.
>> Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp có đô thị hơn 700ha, quy mô dân số lên tới 15.000 người
Khu công nghiệp Bình Hòa Nam 1 sẽ được phát triển thành một khu công nghiệp sạch, tổng hợp đa ngành, chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đây cũng sẽ là khu công nghiệp công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới, chế biến nông thủy sản và phục vụ nông nghiệp nông thôn.
Bên cạnh đó, khu công nghiệp còn nhắm đến các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường như điện tử, may mặc, lắp ráp máy móc, sản phẩm nhựa, cao su, chế biến thực phẩm, hóa chất vô cơ và hữu cơ. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ tạo ra khoảng 15.000-23.000 việc làm cho người lao động và chuyên gia.
>> Đến năm 2030, ‘thủ phủ’ công nghiệp Việt Nam sẽ mở thêm 10 khu công nghiệp