Tỉnh lớn nhất cả nước sắp xếp lại đơn vị hành chính: Gần 800 cán bộ, công chức dôi dư được điều chỉnh thế nào?
Hiện nay, tỉnh đã có nhiều phương án để xử lý những trường hợp cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nghệ An thực hiện sắp xếp 92 đơn vị hành chính cấp xã (65 đơn vị không đủ tiêu chuẩn và 27 đơn vị đủ tiêu chuẩn liền kề) thành 44 đơn vị (trong đó 43 đơn vị thành lập mới và 1 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số).
Theo thống kê, đội ngũ cán bộ, công chức của xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp, liền kề là 1.712 người (cán bộ 885 người, công chức 827 người). Sau sắp xếp, toàn tỉnh giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã, từ 460 hiện nay xuống còn 412 đơn vị gồm 362 xã, 17 thị trấn, 33 phường.
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023-2025, dự kiến sẽ bố trí được 913 cán bộ, công chức (cán bộ là 514 người, công chức là 399 người) ở 43 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Như vậy, sau khi sáp nhập cấp xã và tiến hành bố trí cán bộ, công chức ở các xã mới theo quy định, dự kiến còn dôi dư 799 cán bộ, công chức (374 cán bộ, 425 công chức).
>> Sân golf 18 lỗ thuộc khu du lịch sinh thái 'hot' bậc nhất Nghệ An có tiến triển mới
Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, cho biết để giải quyết tình trạng cán bộ, công chức dôi dư, Nghệ An sẽ thực hiện các phương án sau: Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội; nghỉ thôi việc. Bên cạnh đó, điều chuyển cán bộ, công chức đến công tác tại các đơn vị khác còn khuyết chức vụ, chức danh hoặc còn thiếu cán bộ, công chức trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cấp xã. Tiếp nhận, tuyển dụng vào công chức cấp trên (cấp huyện, cấp tỉnh) nếu đủ điều kiện và trình độ chuyên môn phù hợp.
"Hiện tỉnh đã có nhiều phương án để xử lý những trường hợp cán bộ, công chức dôi dư, quan điểm của tỉnh là sẽ giải quyết chế độ, chính sách một cách tốt nhất đảm bảo quyền lợi cho các cán bộ sau sắp xếp bị dôi dư"- ông Hưng khẳng định.
Cũng theo Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định ngày 4/6 công nhận thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I.
Thành phố Vinh hiện có 25 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 16 phường (Bến Thuỷ, Cửa Nam, Đông Vĩnh, Đội Cung, Hà Huy Tập, Hồng Sơn, Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Phúc, Lê Lợi, Lê Mao, Quán Bàu, Quang Trung, Trường Thi, Trung Đô, Vinh Tân) và 9 xã (Nghi Phú, Hưng Lộc, Nghi Kim, Hưng Đông, Hưng Hoà, Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức, Hưng Chính).
Thành phố Vinh sau mở rộng sẽ có diện tích 166,25km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Vinh hiện hữu, thị xã Cửa Lò hiện hữu và 4 xã hiện hữu thuộc huyện Nghi Lộc (gồm các xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong)...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2022, tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam là Nghệ An với diện tích 16.490km2, chiếm 3,2% diện tích cả nước. Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, có đường biên giới giáp với Lào và phía đông giáp biển Đông. Vinh là thành phố trực thuộc tỉnh duy nhất của tỉnh Nghệ An.
Nghệ An hiện có 21 đơn vị hành cấp huyện (17 huyện, 1 thành phố thuộc tỉnh và 3 thị xã), trong đó, có 5 đơn vị đạt 100% tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên quy mô dân số. 12 đơn vị có một tiêu chuẩn đạt tiêu chuẩn từ 70% theo quy định, tiêu chuẩn còn lại đạt từ 100%.
Tỉnh giàu miền Bắc vững 'phong độ', lọt top đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP
Tỉnh miền Trung vừa khởi công sân bay 265ha, đón 9 dự án đầu tư trị giá hơn 4.400 tỷ đồng