Tỉnh miền Bắc rộng gần 1.700km2, có đường bờ biển dài 74km sẽ trở thành trung tâm kinh tế hiện đại vào năm 2050
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Tầm nhìn đến năm 2050 là trở thành trung tâm kinh tế hiện đại
Theo VietNamNet, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, UBND tỉnh đã nhận được văn bản quyết định số 1729/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký, về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi lập Quy hoạch bao gồm toàn tỉnh Nam Định với diện tích tự nhiên 1.668,8km2; 10 đơn vị hành chính (gồm 1 thành phố và 9 huyện) và phần không gian biển với đường bờ biển dài 74km.
Phát triển tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng.
Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển khu vực biển, ven biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong đó, định hướng công nghiệp xanh; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu là trọng tâm; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng. Xây dựng hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực. Phát triển bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng, cả nước và khu vực...
Hình ảnh phố cổ giữa những đổi thay của thành phố văn hóa đặc trưng vùng Nam sông Hồng xưa
Theo Cổng TTĐT tỉnh Nam Định, nếu như Hà Nội xưa có 36 phố phường thì TP Nam Định cũng có đến 40 phố cổ mang tên “Hàng” như Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Cau, Hàng Cấp, Hàng Thao, Hàng Mâm, Hàng Bát, Hàng Tiện…. Nếu về Nam Định ngày nay du khách vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh phố cổ giữa những đổi thay của thành phố văn hóa đặc trưng vùng Nam sông Hồng xưa.
TP. Nam Định có những nét riêng như những con phố nhỏ vào mùa hoa gạo, món ăn đặc sản địa phương hay tiếng còi tầm của nhà máy dệt. Cùng với các con phố cổ, hoa gạo được coi là loài cây đặc trưng của đất và người Nam Định.
Giống nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ khác, Nam Định có bốn mùa rõ rệt. Ngoài mùa hè phù hợp cho việc đi tắm biển, thời điểm ghé thăm địa danh này đẹp nhất là vào dịp rằm tháng Giêng. Đây là lúc diễn ra lễ hội Khai Ấn Đền Trần, thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan trước và trong đêm lễ chính.
Trung tâm thành phố Nam Định là địa điểm đầu tiên du khách dừng chân. Từ đây, bạn có thể ghé thăm các địa điểm nổi tiếng trong thành phố.
1. Đền Trần
Đây là một quần thể đền thờ nằm ở đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, ngoại ô thành phố. Đây là nơi thờ cúng các vua Trần cùng quan lại có công phù tá. Ngày nay, đây là nơi chiêm bái của các tín đồ hành hương và du khách cả nước. Rằm tháng giêng là thời điểm đông khách thập phương ghé thăm nơi này nhất, vì tham gia lễ Khai Ấn nổi tiếng. Sự kiện này diễn ra từ đêm 14 tháng giêng âm lịch, với nghi thức dâng hương, rước kiệu với nghi thức khai ấn là quan trọng nhất. Đoàn rước đến đền Thiên Trường đúng giờ Tý (23h).
Nghi thức này bắt đầu vào năm 1239, tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công, cầu mong cho thiên hạ thái bình, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần "Tích phúc vô cương". Tuy nhiên, nhiều người đã hiểu sai rằng xin ấn để được thăng quan tiến chức.
2. Chùa Phổ Minh
Cách đó vài trăm mét là chùa Phổ Minh (chùa Tháp), công trình kiến trúc duy nhất thuộc Hành cung Thiên Trường xưa còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nam Định, chùa có từ thời Lý, mở rộng năm 1262 và phục vụ nhu cầu lễ Phật của Thái thượng hoàng, các thân vương quý tộc thời Trần. Ngoài thờ Phật, chùa có tượng thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp sư Huyền Quang, Phổ Loa - những người sáng lập ra trường phái Trúc Lâm.
3. Phủ Dầy
Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống, trải rộng trên đại bàn xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, gần quốc lộ 10, 37B và 38B. Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào ngày 3/3 âm lịch, nhằm bày tỏ sự biết ơn với Mẫu Liễu Hạnh. Thời điểm này, Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy là một trong những sự kiện long trọng và nổi tiếng nhất nước, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, khách thập phương.
Có ba nghi thức quan trọng nhất trong Lễ hội: lễ Rước Mẫu Thỉnh Kinh, lễ Rước Đuốc tại Phủ Chính, lễ kéo chữ Hoa Trượng Hội.
4. Chợ Viềng
Sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến Nam Định và bỏ qua Chợ Viềng. Đây là phiên chợ họp đầu năm, vào đêm mùng 7 và ngày mùng 8 âm lịch, với mục đích "mua may, bán rủi". Nổi tiếng nhất là Chợ Viềng được tổ chức ở huyện Vụ Bản và Nam Trực.
5. Bảo tàng Dệt Nam Định
Bảo tàng nằm trên đường Trần Đăng Ninh cũng là một điểm đến dành cho những du khách yêu thích khám phá lịch sử. Tại đây, bạn có hành trình ngược thời gian để tìm hiểu về cuộc sống của những công nhân nhà máy Dệt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thông qua hàng trăm kỷ vật còn lưu giữ đến ngày nay.
Các địa điểm khác bạn có thể ghé thăm tại thành phố là hồ Vị Xuyên, lang thang trên những con phố ở trung tâm như Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Tiện, Hàng Cấp để nhìn ngắm những ngôi nhà cổ còn sót lại.