Tỉnh miền Bắc Việt Nam nắm giữ 90% mỏ kim loại lớn thứ 3 thế giới, nổi tiếng với bạt ngàn đồi chè, có ngôi chùa thiêng nằm trong lòng Phật lớn nhất miền Bắc
Một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc đang nắm giữ 90% loại khoáng sản mà Việt Nam có trữ lượng đứng thứ 3 thế giới.
Tỉnh Thái Nguyên trong tâm thức nhiều người thường “đóng đinh” với hai ấn tượng: trà xanh và cái nôi cách mạng. Thế nhưng, những năm gần đây, vùng đất ấy bắt đầu có những bước chuyển mình vô cùng ấn tượng.
Địa phương nắm giữ loại khoáng sản quan trọng trong ứng dụng công nghiệp
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng vonfram đạt khoảng 100 nghìn tấn, đứng thứ 3 thế giới. Hiện nay, vonfram được dùng làm vật liệu chống mài mòn, sử dụng trong các ngành công nghiệp gia công kim loại, khai thác mỏ, dầu khí và xây dựng. Đây là loại kim loại gần như không thể thay thế trong một loạt các ứng dụng công nghiệp như sản xuất máy hiệu suất cao và các hợp kim thép.
Vì vậy, vonfram còn được sử dụng trong các ngành công nghiệp như ô tô, năng lượng, xây dựng, hàng không vũ trụ cũng như các ứng dụng quân sự, hàng không và sản xuất điện.
Trên thực tế, Thái Nguyên là tỉnh đang nắm giữ 90% trữ lượng vonfram của Việt Nam. Thái Nguyên nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản như vonfram, than, sắt, thiếc, chì, kẽm...
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: mỏ vonfram đa kim trữ lượng lớn nhất cả nước và lớn thứ ba thế giới ở khu vực Núi Pháo (huyện Đại Từ); than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn (đứng thứ 2 cả nước) tập trung ở các mỏ Núi Hồng, Làng Cẩm (huyện Đại Từ), Phấn Mễ (huyện Phú Lương), Khánh Hòa (TP Thái Nguyên); quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn tập trung chủ yếu tại Trại Cau (huyện Đồng Hỷ)…
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, sản lượng vonfram từ mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc, có quy mô lớn thứ 2 thế giới. Đây là một trong những mỏ có trữ lượng vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới ở ngoài Trung Quốc, với 52,5 triệu tấn quặng WO3 phẩm cấp trung bình 0,21%...
Vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Thái Nguyên một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 75km. Nơi đây nổi tiếng với những đồi chè bát ngát hay những hồ nước mênh mông. Thêm nữa với khí hậu vô cùng ôn hoà và mát mẻ, Thái Nguyên đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho những chuyến dã ngoại và nghỉ dưỡng trong những kỳ nghỉ.
Với hệ thống giao thông ngày càng phát triển, việc di chuyển đến Thái Nguyên trở nên khá dễ dàng. Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể chọn các phương thức như xe khách, tàu hoả, hay những phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy để di chuyển.
Du khách có thể lựa chọn lưu trú tại các khách sạn trong TP Thái Nguyên như Habana, Dạ Hương, May Plaza, Đông Dương, Hải Âu, The King Hotel... với mức giá dao động từ 400.000 đến hơn 1 triệu đồng một đêm.
Khi đến Thái Nguyên, khu du lịch hồ Núi Cốc là một thắng cảnh thiên nhiên chắc chắn không thể bỏ qua. Khu du lịch nằm ở phía nam huyện Đại Từ, cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 15km. Khu có tổng cộng 89 hòn đảo với những cái tên như đảo Núi Cái, đảo Hoa, đảo Cò, đảo Long Hội... Ở đây, du khách có thể trải nghiệm ngồi thuyền thúng, khám phá động Thế giới Cổ tích và Âm phủ, động Ba Cây Thông, tham quan quần thể Thuyết Nhân Quả - Chùa Thiêng Thác Vàng, ngôi chùa nằm trong lòng Phật lớn nhất miền Bắc được ghi nhận kỷ lục Guinness.
Địa danh tiếp theo là hồ Ghềnh Chè thuộc xã Bình Sơn, TP Sông Công. Đây là hồ thủy lợi được xây dựng năm 1986 với diện tích mặt nước khoảng 80ha, gồm 45 bán đảo. Hồ Ghềnh Chè được du khách biết đến như một điểm du lịch sinh thái và câu cá vào mỗi dịp cuối tuần. Hiện hồ Ghềnh Chè đã phát triển thêm các dịch vụ du lịch mới như đi tàu khám phá lòng hồ, ăn uống, cắm trại, dã ngoại.
Suối Kẹm nằm ở xã La Bằng, huyện Đại Từ, cách TP Thái Nguyên khoảng 35km. Đầu nguồn con suối nằm trên đỉnh Tam Đảo. Men theo những ghềnh đá dọc theo suối, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tầng thác nối tiếp nhau cao dần như ruộng bậc thang, đổ nước xuống tạo thành những bãi tắm thiên nhiên.
Tiếp đến là chè La Bằng - một trong những vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên. Tại đây du khách có thể lên những đồi chè xanh chụp ảnh, trải nghiệm hái chè cùng người địa phương. Đến thăm Trung tâm thông tin làng nghề và trưng bày sản phẩm thủ công của Hợp tác xã chè La Bằng, du khách còn có dịp thưởng thức đặc sản chè Thái Nguyên.
Hang Phượng Hoàng là một danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia, nằm ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Địa danh này gắn với truyền thuyết về một đôi chim phượng hoàng. Miệng hang trên đỉnh núi, độ cao khoảng gần 500m. Lòng hang ăn sâu vào núi, rộng ba tầng với nhiều nhũ đá hàng trăm năm tuổi, có hình thù kỳ lạ trên trần hang. Từ cửa hang nước đổ xuống tạo thành nhiều thác nước nhỏ. Ngay chân núi Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà chảy tự nhiên, nước trong và mát. Khu du lịch hang Phượng Hoàng hiện có các dịch vụ nhà hàng, bể bơi, nhà nghỉ, tổ chức sự kiện, khu bán hàng lưu niệm.
Chùa Hang cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 2km, là di tích cấp quốc gia năm 1999. Núi Chùa Hang trước đây có tên gọi là núi đá Hóa Trung, núi Long Tuyền. Động Chùa Hang trong núi còn có tên gọi là động Tiên Lữ, có nhiều nhũ đá đẹp, trong động có thờ Phật.
Núi Đuổm trước đây gọi là Điểm Sơn, cách trung tâm TP Thái Nguyên 24km. Sách Đại Nam Nhất thống chí xếp Điểm Sơn là danh thắng của đất Thái Nguyên. Từ xa nhìn vào, sáu ngọn núi đá tựa như sáu đầu rồng. Các vách đá thẳng đứng, phủ rêu phong cổ kính. Dưới chân núi phía Đông bắc có đền thờ nổi tiếng của danh nhân Dương tự Minh - Thủ lĩnh phủ Phú Lương, phò mã hai đời vua nhà Lý, người có nhiều công lao bảo vệ biên cương phía Bắc của nước Đại Việt. Đền Đuổm đã được tôn tạo và xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993. Lễ hội đền Đuổm được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng hàng năm.
Bên cạnh đó, du khách còn có thể tới một số địa danh như Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, cụm di tích Khởi nghĩa Thái Nguyên 1917, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồi chè Tân Cương, thác Khuôn Tát, động Linh Sơn, trại ngựa Bá Vân...
Thái Nguyên còn được mệnh danh là vùng “đệ nhất danh trà” với những đồi chè xanh ngút ngàn trải khắp Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài... Sản phẩm trà cùng nghệ thuật thưởng trà lâu nay đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách đến với mảnh đất này.