Tỉnh miền Trung sắp lên TP trực thuộc Trung ương sẽ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện
Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh thành này sẽ có tên gọi mới.
Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Theo quy hoạch này, Việt Nam sẽ có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP. HCM (được dự kiến trở thành đô thị loại đặc biệt vào năm 2030), Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng (dự kiến trở thành đô thị loại I vào năm 2030).
Ngoài ra, 8 tỉnh khác cũng được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, và Bình Dương. Dự kiến đến năm 2030, các tỉnh này sẽ trở thành đô thị loại I. Trong số đó, Thừa Thiên Huế sẽ là tỉnh đầu tiên hoàn tất quá trình này, với mốc quan trọng vào năm 2025.
>> Trái ngược với giá chung cư tăng chóng mặt, lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp kỷ lục
Tỉnh miền Trung sắp lên TP trực thuộc Trung ương sẽ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện - Nguồn: Internet |
Theo Đề án "Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế", sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ có tên mới là “TP. Huế” với diện tích tự nhiên 4.947km2 và dân số khoảng 1,38 triệu người. TP. Huế mới sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm:
2 quận: Quận Phú Xuân (phía Bắc sông Hương) và quận Thuận Hóa (phía Nam sông Hương).
3 thị xã: Hương Trà, Hương Thủy và Phong Điền.
4 huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền và A Lưới.
Ngoài ra, huyện Nam Đông sẽ được sáp nhập vào huyện Phú Lộc, và huyện Phong Điền sẽ trở thành thị xã Phong Điền.
Theo Quyết định 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh. Điều này thể hiện vị trí chiến lược của Huế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, và đến năm 2030, trở thành "đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam" - một trung tâm lớn của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế, khoa học công nghệ và giáo dục chất lượng cao. Thành phố cũng hướng đến việc trở thành trung tâm kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng an ninh bền vững.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế sẽ là một thành phố hiện đại, thông minh, với đặc trưng văn hóa, di sản, và môi trường bền vững. Huế sẽ trở thành thành phố Festival, là điểm đến an toàn và thân thiện, nổi bật trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục và khoa học công nghệ không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực châu Á.
>> Tuyến đường sắt 3,4 tỷ USD, nối tới sân bay lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới