Thành phố trực thuộc Trung ương lớn thứ 3 Việt Nam sẽ có thêm một thành phố
Theo quy hoạch, đến năm 2030, thành phố mới của địa phương sẽ là đô thị loại 3 và dự kiến đạt đô thị loại 2 vào năm 2035.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thảo luận về dự thảo Nghị quyết liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng.
Theo Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo, huyện Thủy Nguyên sẽ được định hướng trở thành thành phố trực thuộc TP. Hải Phòng. Dự thảo Nghị quyết này đề xuất bổ sung một số cơ chế đặc biệt.
Theo đó TP. Hải Phòng sẽ được phép bố trí không quá 4 Phó Chủ tịch UBND thành phố. Ở cấp quận, số lượng Phó Chủ tịch UBND không vượt quá 3 người, trong khi cấp phường sẽ có tối đa 2 Phó Chủ tịch.
Hiện nay, quy định pháp luật cho phép TP. Hà Nội và TP. HCM có tối đa 5 Phó Chủ tịch UBND, trong khi các thành phố trực thuộc Trung ương khác, như Hải Phòng, chỉ được bố trí tối đa 4 Phó Chủ tịch. Đối với quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương loại 1, số Phó Chủ tịch không quá 3 người; với các thành phố trực thuộc Trung ương loại 2 và 3, số Phó Chủ tịch được giới hạn ở mức 2 người.
>> Sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ lùi thời gian hoàn thành?
Bộ Nội vụ cũng đề xuất bổ sung thêm một Phó Chủ tịch HĐND và thành lập Ban Đô thị trực thuộc HĐND thành phố thuộc TP. Hải Phòng. Để đảm bảo sự vận hành, dự thảo còn bổ sung đại biểu chuyên trách để giữ các chức danh như Trưởng ban, Phó ban của Ban Đô thị.
Khi thành lập, HĐND TP. Thủy Nguyên sẽ có 2 Phó Chủ tịch và không quá 8 đại biểu chuyên trách. Theo quy định hiện hành, HĐND cấp tỉnh được phép có từ 1-2 Phó Chủ tịch, còn HĐND cấp huyện chỉ có 1 Phó Chủ tịch.
Được biết, theo đề án phát triển của TP. Hải Phòng, Thủy Nguyên được định hướng trở thành một khu đô thị mới, đồng thời là trung tâm hành chính, chính trị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, và du lịch văn hóa của TP. Hải Phòng.
TP. Hải Phòng cũng đã có kế hoạch chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc, và nâng cấp hai huyện An Dương, Kiến Thụy lên thành quận.
Quyết định này đã được thể hiện trong Quy hoạch TP. Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt vào năm 2023. Theo quy hoạch, TP. Hải Phòng sẽ điều chỉnh địa giới hành chính huyện để mở rộng quận Hồng Bàng, thành lập quận An Dương và TP. Thủy Nguyên vào năm 2025.
Đến năm 2030, Hải Phòng dự kiến có 9 quận, bao gồm 7 quận hiện nay và hai quận mới là An Dương và Kiến Thụy. Thành phố Thủy Nguyên sẽ là đô thị loại 3 và dự kiến đạt đô thị loại 2 vào năm 2035. Các huyện như An Lão, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng sẽ được phát triển thành thị xã, còn huyện Cát Hải sẽ trở thành quận biển đảo.
Với diện tích hơn 26.000ha, TP. Thủy Nguyên sẽ trở thành đô thị xanh - thông minh, gắn với trung tâm hành chính và chính trị mới của TP. Hải Phòng. Dự kiến đến năm 2035, Thủy Nguyên sẽ có khoảng 600.000 cư dân, và đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên khoảng 725.000 người.
Thủy Nguyên hiện là huyện có diện tích và dân số lớn nhất Hải Phòng với 35 xã, 2 thị trấn và khoảng 334.000 cư dân.
Năm 2023, tổng thu cân đối ngân sách của huyện đạt hơn 11.721 tỷ đồng, tăng 468% so với năm 2022, trong đó nguồn thu từ tiền sử dụng đất chiếm đến 90% tổng số thu, đóng góp lớn vào ngân sách thành phố.
Năm 2024, huyện Thủy Nguyên dự kiến thu ngân sách đạt 2.832 tỷ đồng, tăng 102,3% so với mức ước tính thực hiện của năm 2023 (không bao gồm thu từ các dự án của thành phố).
Hải Phòng có diện tích đất liền 1.561,8km2, là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, thành phố lớn thứ hai ở miền Bắc sau Hà Nội và là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Đây cũng là trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng và Cần Thơ.
>> Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục đòi 2.500 tỷ đồng từ Tập đoàn Novaland (NVL)