Theo quy hoạch mới, tỉnh sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương này sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại của vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Sáng 5/3, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, 17 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện dự án mới, với tổng mức đầu tư 20.058 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Vĩnh Phúc được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi khởi nguồn của nhiều tư duy đổi mới, sáng tạo và tiên phong; là cửa ngõ, cầu nối giữa các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trên trục hành lang kinh tế quan trọng Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc); là nơi có nhiều danh lam, thắng cảnh, lưu giữ nhiều nét văn hóa cổ xưa của người Việt.
Vị trí địa lý và điều kiện lịch sử đặc biệt của Vĩnh Phúc đã tạo cho tỉnh nhiều điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế với cả trong và ngoài nước... Như vậy, Vĩnh Phúc hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển hài hòa và bền vững, đóng vai trò là một trong những cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh. Quy hoạch cũng đã thể hiện khát vọng thịnh vượng, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống của người dân Vĩnh Phúc.
Với quy hoạch mới, Vĩnh Phúc sẽ đóng vai trò là một trong những cực phát triển, là hạt nhân thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại của vùng Đồng bằng Sông Hồng, là một trong 3 cực tăng trưởng của vùng Thủ đô Hà Nội. Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Vĩnh Phúc.
>> Tỉnh 'bé hạt tiêu' sắp có 47 cụm công nghiệp, được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương
Cụ thể, Vĩnh Phúc sẽ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…), đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung phát triển một số ngành khác như sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; phát triển ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại trở thành ngành công nghiệp nền tảng của tỉnh…
Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, Vĩnh Phúc sẽ tập trung thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển các dự án chế biến thịt các loại (bò, lợn,…) và các sản phẩm sữa gắn với việc phát triển ngành chăn nuôi bò, lợn thịt ở các khu vực có lợi thế.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng “Dịch vụ chất lượng - Sản phẩm khác biệt - Hiệu quả bền vững”. Qua đó sẽ đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; đầu tư khai thác hiệu quả các sân gôn, dịch vụ thể thao, giải trí,…
Đồng thời, tỉnh sẽ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất lao động trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Với quy hoạch mới, cơ hội mới được mở ra một cách rõ ràng, cụ thể đối với các nhà đầu tư đang quan tâm tới Vĩnh Phúc. Cùng với đó, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã đưa Vĩnh Phúc thành điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt.
Luỹ kế đến hết năm 2023, tỉnh đã thu hút được hơn 8 tỷ USD vốn FDI, và hơn 140.400 tỷ đồng vốn DDI.
Còn ngay trong hội nghị công bố quy hoạch hôm nay, 17 nhà đầu tư đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện hàng loạt dự án mới tại tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng nguồn vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng 5 dự án lớn nhất, đã có tổng mức đầu tư hơn 12,4 nghìn tỷ đồng - chiếm trên 62% .
Năm dự án lớn gồm: Công ty TNHH Korea Circuit Vina & Công ty TNHH Interflex là chủ đầu tư dự án Korea Circuit Vina, tại CCN Đồng Sóc, có tổng vốn đầu tư: 3.927 tỷ đồng; Công ty TNHH BH là chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BHflex Vina tại Khu công nghiệp Khai Quang, có tổng vốn đầu tư 3.458 tỷ đồng; Công ty cổ phần KCN và dịch vụ quốc tế Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần SHINEC là chủ đầu tư của dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phúc Yên” tại TP. Phúc Yên với tổng vốn đăng ký là 1.988 tỷ đồng; Công ty TNHH Kitz Corporation Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà máy Công ty TNHH Kitz Corporation Việt Nam tại KCN Thăng Long, với tổng vốn đầu tư là 1.556 tỷ đồng; Công ty TNHH Amotech chủ đầu tư dự án nhà máy Amo Vina tại KCN Khai Quang, có tổng vốn đầu tư là 1.482 tỷ đồng.
Các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư đa phần là các dự án về hạ tầng khu công nghiệp, dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, sản xuất thuốc….với hiệu suất đầu tư cao.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, Vĩnh Phúc phải thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng hạ tầng xanh. Phải phát triển được nguồn nhân lực chất lượng để tham gia vào quá trình chuyển đổi này. Muốn làm được điều này, thì Vĩnh Phúc phải thu hút được những dự án xanh, những dự án chuyển đổi số, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch theo những tiêu chí thu hút đầu tư cụ thể. Những tiêu chí này phải đảm bảo phát huy được nguồn lực của tỉnh, có hiệu suất và hiệu quả đầu tư cao, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai quý giá.
>> Tỉnh nhỏ thứ 4 cả nước là ‘cứ điểm’ của 2 hãng xe ô tô, thu nội địa đạt 4.000 tỷ đồng
Công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ sắp mở văn phòng nghiên cứu tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam
Hé lộ 3 lĩnh vực tại Việt Nam được các nhà đầu tư nươc ngoài 'bạo tay' chi tiền