Số liệu được Bộ Tài chính cập nhật cũng cho thấy, đến nay, cả nước còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa trong 5 năm vừa qua.
Cần phải nhắc lại, năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QÐ-TTg về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 cho đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025
Vì vậy, các doanh nghiệp chưa hoàn thành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn. Trong đó, Hà Nội có 13 doanh nghiệp; TP.HCM có 38 doanh nghiệp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng có 2 doanh nghiệp.
Nhiều cái tên nổi bật dự kiến bán trong năm nay như: 36% vốn tại Sabeco, 50,7% vốn tại Bảo Minh, 40,7% vốn Tổng công ty Licogi, 63,38% vốn Seaprodex, 36,3% vốn Vocarimex, 37% vốn Nhựa Tiền Phong, gần 6% vốn FPT, 53,5% vốn Vinatex… Trong đó, một thương vụ thoái vốn được kỳ vọng thành công khi mà người mua đã sẵn sàng như: Vocarimex, Bảo Minh, FPT…
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, kết quả thoái vốn phụ thuộc vào thời điểm và phụ thuộc vào diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng như mức độ quan tâm của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, danh mục đang đầu tư hiệu quả thì phải tính toán căn cơ hơn.
“Hy vọng trong quý III, quý IV, tiến độ công tác cổ phần hóa, thoái vốn sẽ nhanh hơn vì việc xác định giá trị doanh nghiệp thông thoáng hơn, gắn trách nhiệm với tổ chức thẩm định giá. Ngoài ra, quy chế bán đấu giá bảo đảm theo cơ chế thị trường nên hoạt động đấu giá sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn”, ông Tiến nói.
Ông Hoàng Huy, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán MBKE cho rằng, tốc độ thoái vốn nhiều khả năng chỉ được đẩy mạnh từ nửa cuối năm 2022 sau khi Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng và Covid-19 không còn là mối bận tâm hàng đầu của Chính phủ. Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm hơn 90% giá trị giao dịch toàn thị trường hàng ngày, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài chưa quay trở lại là một thách thức cho việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
“Rất nhiều thương vụ thoái vốn được mong đợi như Petrolimex, VEAM, Viglacera, PV Oil… nhưng khó có thể thực hiện trong năm nay và nhiều khả năng phải tới 2022 - 2023”, một chuyên gia nhận định.