Người ta nói đàn ông thường không dễ khóc nhưng tôi đã phải bật khóc sau khi phải viết giấy vay nợ cho chính những đứa con của mình.
Câu chuyện của lão Vương (70 tuổi, Trung Quốc) nhận được nhiều sự chú ý trên nền tảng Sohu.
Tôi là lão Vương, đã bước sang tuổi 70 và cả cuộc đời chỉ gắn bó với đồng ruộng quê nhà. Vì kết hôn muộn nên tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất mang tên Vương Thành. Vợ chồng tôi dành rất nhiều hi vọng vào đứa con này, mong muốn cho con một cuộc sống đầy đủ và trở thành người lương thiện.
Tuy nhiên, thành tích học tập của con trai tôi chỉ ở mức trung bình. Thậm chí, nó thường xuyên trốn học để đến các quán game giải trí và cuối cùng, nó đã bỏ học trước khi tốt nghiệp trung học. Vì bỏ học sớm nên nó bắt đầu đàn đúm, làm quen với những thanh niên bất hảo trong trấn. Vợ chồng tôi lo lắng và đau đầu về đứa con này. Vì vậy, chúng tôi quyết định đưa nó lên thành phố để làm việc, nếu không học được thì phải làm lao động kiếm tiền nuôi thân.
Sau khi đến thành phố, con trai tôi đã thay đổi rõ rệt, tập trung hơn vào công việc. Đôi khi, nó gọi về cho chúng tôi để chia sẻ về công việc, thấy con trai duy nhất làm việc vất vả, chúng tôi cũng cảm thấy rất xót xa. Công việc ở xưởng gỗ rất khó khăn và mệt mỏi, thậm chí đôi khi phải làm thêm đến tận 11, 12 giờ đêm. Tuy nhiên, Vương Thành đã hứa với chúng tôi rằng: "Sẽ cố gắng làm việc, nhất định sẽ thành công, không để bố mẹ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa". Nghe con trai nói như vậy, chúng tôi cảm thấy vui mừng.
Dần dần, tay nghề của con trai tôi trở nên điêu luyện hơn, có uy tín trong xưởng sản xuất. Ngoại hình của con trai tôi cũng không tồi, cao ráo, sáng sủa và được con gái của ông chủ xưởng tên Kiều Kiều để mắt tới. Mặc dù không được học cao nhưng sự chăm chỉ và tiến bộ của con trai tôi đã được ông chủ trọng dụng. Do đó, chuyện tình cảm giữa con trai tôi và Kiều Kiều đã được ông chủ đồng ý nhanh chóng.
Điều kiện để làm rể nhà hào môn là một cái giá quá đắt
Con trai của tôi trở về nhà và yêu cầu được kết hôn. Điều kiện duy nhất mà gia đình bên kia đưa ra là con tôi phải đến ở rể. Nghe điều này, vợ chồng tôi quyết không đồng ý, không muốn người con trai duy nhất lại phải sống xa cha mẹ và sợ bị nhiều lời đồn thổi từ hàng xóm. Vương Thành cố gắng thuyết phục chúng tôi, nó nói: "Kiều Kiều là con gái duy nhất của ông chủ xưởng, cô ấy đã quen với cuộc sống sung túc và không thể chấp nhận sống trong khó khăn. Ngoài ra, ở thành phố cũng có nhiều cơ hội phát triển hơn".
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không đồng ý. Cuối cùng, con trai tôi tiết lộ điều đã làm nó quyết định ở rể. Ông chủ xưởng gỗ đã đề xuất rằng nếu Vương Thành đồng ý, sau khi kết hôn, ông sẽ trao cho chúng tôi 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng) làm tiền trợ cấp, tặng cho vợ chồng nó một căn biệt thự và một chiếc xe hơi xịn trị giá gần 2 tỷ đồng làm quà tân hôn.
Vương Thành nói với chúng tôi: "Có thể nhà xe không cần nhưng số tiền trợ cấp 500.000 NDT quá lớn để bỏ qua. Dù làm việc chăm chỉ cả đời, con cũng khó mà biếu bố mẹ số tiền đó. Bố bị đau thắt lưng, mỗi khi thời tiết thay đổi là đau đớn không thể đứng thẳng. Còn mẹ thì mắc tiểu đường, tiêu tốn gần 1000 NDT mỗi tháng cho thuốc. Khi bố mẹ lớn tuổi hơn thì có thể dùng số tiền đó để chăm lo tuổi già mà không cần lo lắng gì cả”.
Nghe điều này, chúng tôi cảm thấy thương con trai hết mức. Nó đã cố gắng thuyết phục chúng tôi đồng ý với cuộc hôn nhân này, và cuối cùng, chúng tôi đã chấp nhận. Đồng ý cho đứa con trai duy nhất ở rể hào môn. Sau 6 tháng, Vương Thành và Kiều Kiều đã tổ chức lễ cưới. Mọi người trong làng đều nói rằng con trai của chúng tôi đã may mắn khi tìm được một gia đình vợ giàu có và tốt như vậy.
Không lâu sau khi con trai tôi kết hôn, tôi gặp tai nạn ở nhà, nhưng may mắn được phát hiện kịp thời. Sau khi nhập viện, tôi dần hồi phục. Tuy nhiên, việc điều trị này đã tốn kém gần 400.000 NDT, gần hết số tiền mà con trai tôi đã đưa sau khi kết hôn. Con trai và con dâu có ghé thăm và biếu một số tiền nhưng tôi nhất quyết không nhận.
Kể từ khi Vương Thành kết hôn, sự nghiệp ngày càng phát triển nhất là khi con tôi được bố vợ giao lại công việc quản lý tại xưởng sản xuất ván. Công việc ngày càng bận rộn, và số lần chúng tôi nhận cuộc gọi từ con cũng dần giảm đi, khi gọi cũng chỉ là vài câu rồi lại kết thúc.
Trong một thoáng, đã 5 năm kể từ ngày con trai tôi kết hôn. Vương Thành đã nhiều lần đề nghị chúng tôi đến sống chung nhưng chúng tôi không đồng ý. Đó là nhà của con dâu, tôi tin rằng con dâu cũng không muốn điều đó. Từ ngày cưới, hai vợ chồng chúng tôi không bao giờ yêu cầu hay xin xỏ gì từ các con.
Tuy nhiên, năm nay, vì sức khỏe của chúng tôi không cho phép, việc gặt lúa mì phải thuê máy nhưng trong nhà không còn tiền. Mọi nguồn tiền đã được đầu tư vào ruộng. Tôi đã trò chuyện với vợ và quyết định đến nhà con trai để vay một khoản tiền nhỏ để thuê máy, sau khi bán lúa thì chúng tôi sẽ trả lại ngay.
Sáng hôm đó, tôi đi xe buýt lên thành phố và đến nhà con trai. Đó là lần thứ hai tôi đến từ ngày anh kết hôn. Sau khi nhấn chuông cửa, Vương Thành mở cửa ra và chuẩn bị mời tôi vào nhà, nhưng con dâu của tôi ngăn lại: "Nếu có việc gì, hãy nói ở đây! Giày bẩn không nên vào nhà. Tôi còn phải dọn dẹp".
Nghe lời con dâu, tôi cúi đầu và rời bước lùi vài bước, nhẹ nhàng nói: "Con trai, lúa mì ở nhà đã chín, mẹ con thì lớn tuổi không thể cắt được nữa. Con có thể cho bố vay 600 NDT (khoảng 2 triệu đồng) để thuê máy gặt lúa mì không? Sau khi thu hoạch xong và bán lúa, bố mẹ sẽ trả lại ngay”.
Con dâu tôi cười khinh bỉ còn con trai lục túi ví và rút ra 1000 NDT đưa cho tôi, nói: "Bố cầm tạm 1000 NDT, dạo này con bận quá, đợi khi rảnh, con sẽ về thăm bố mẹ".
Khi tôi nhận tờ tiền con trai đưa, con dâu tôi kéo tay Vương Thành và yêu cầu: "Bố phải viết giấy nợ để vay tiền! Không có gì đảm bảo bố sẽ trả lại cho tôi. Đây là tiền mồ hôi công sức chứ không phải lá đa rụng ngoài đường.”
Con trai tôi lúc đó không nói một lời nào, điều này khiến tôi cảm thấy thất vọng vô cùng. Trái tim tôi đau đớn, vừa ngượng ngùng nhưng không có cách nào khác, tôi nói với con trai: "Viết đi, con viết giấy nợ đi".
Con trai tôi chắc không muốn câu chuyện trở nên tồi tệ hơn, nó vào nhà cầm giấy bút và nói: “Bố tôi nhiều năm không viết, tôi sẽ viết giấy nợ cho ông ấy”. Lúc này, con dâu trợn mắt lên nhìn tôi và con trai rồi quay người đi vào trong nhà.
Con trai đưa giấy nợ và một thẻ ngân hàng cho tôi rồi nói: “Bố, khi có tiền thì bỏ 1000 NDT vào thẻ này là con nhận được, không cần lặn lội lên đây nữa đâu. Và bố nhớ giữ lại tờ giấy”. Tôi quay người rời đi trong lòng nặng trĩu.
Trên xe buýt về nhà, tôi mở tờ giấy nợ 1000 NDT do chính con trai mình viết ra, tôi đã bật khóc khi xem nội dung bên trong. Cụ thể, tờ giấy con trai viết: “Bố, con trai bất hiếu, bố nuôi con uổng công khi con không thể ở bên bố mẹ để hiếu thảo! Con trai nợ bố mẹ 1 triệu NDT, từ nay trở đi, mỗi tháng con sẽ gửi vào 3000 NDT vào thẻ. Tháng này con sẽ gửi thêm 2000 NDT”.
Tôi đóng tờ giấy ghi nợ lại, nhắm mắt và tự nhủ: Nếu biết điều này, lẽ ra ta không nên đồng ý cho con trai ở rể!
Theo Sohu