Dù tổng tài sản chỉ đạt 453 tỷ đồng nhưng Navibank Securities lại chi tới... 3.225 tỷ đồng, cao gấp 7,1 lần tài sản để mua trái phiếu công ty Becamex.
Sau khi ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt và 9 lô trái phiếu của các đơn vị liên quan đến Tập đoàn này bị hủy, đầu tháng 4/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành công điện số 304 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong đó, đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Công an khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối… trái phiếu doanh nghiệp.
Công ty cổ phần chứng khoán Navibank (Navibank Securities) là một trong những tổ chức mạnh tay rót tiền vào trái phiếu bất động sản. Đối tác được Navibank Securities là Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp – Becamex.
Chi số tiền nhiều gấp 7,1 lần tài sản để mua trái phiếu Becamex
Tại thời điểm 31/3/2022, tổng nợ và các khoản vay tài chính dài hạn tại Becamex lên đến 12.387 tỷ đồng. Trong đó, giá trị trái phiếu thường dài hạn lên đến 10.399 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với hồi đầu năm.
Navibank Securities gây chú ý khi rót rất nhiều tiền cho Becamex thông qua kênh trái phiếu. Nhờ đó, Navibank Securities trở thành trái chủ lớn nhất tại Becamex.
Cụ thể, Navibank Securities sở hữu 4 lô trái phiếu Becamex. Lớn nhất là lô trị giá 1.950 tỷ. Với lô này, Becamex đã phải dành gần 46 tỷ đồng cho chi phí phát hành. Lô trái phiếu này được hoàn thành hoàn toàn trong năm 2021.
Ngoài ra, Navibank Securities còn nắm giữ ba lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng, 535 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền mà Navibank Securities rót vào Becamex tại thời điểm cuối quý 1/2022 thông qua kênh trái phiếu lên đến 3.225 tỷ đồng. Đây cũng là con số của thời điểm cuối năm 2021.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Navibank Securities dù tăng rất mạnh, tăng 68% nhưng vẫn chỉ là con số khiêm tốn 453 tỷ đồng. Như vậy, số tiền mà Navibank Securities mua trái phiếu Becamex cao gấp 7,1 lần tổng tài sản công ty này.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Navibank Securities, trong ngày 31/12/2021, giá trị trái phiếu chưa niêm yết công ty này nắm giữ là gần 158 tỷ đồng. Trong đó có tổng số dư hơn 93,5 tỷ đồng tại Becamex với lãi suất từ 10 đến 12%/năm.
Becamex nợ tỷ đô
Ngoài Navibank Securities, khá nhiều trái chủ khác cũng rót hàng ngàn tỷ đồng vào Becamex.
Hồi cuối quý 1/2022, hệ sinh thái BIDV rót 1.710 tỷ đồng vào Becamex thông qua kênh trái phiếu.
Cụ thể, giá trị trái phiếu Becamex mà Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Bình Dương sở hữu là 1.080 tỷ đồng, Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (560 tỷ đồng), Tổng công ty cổ phần Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (70 tỷ đồng).
Ngoài ra, còn 2 tổ chức khác rót ngàn tỷ vào Becamex. Đó là Công ty cổ phần chứng khoán SmartInvest (1.070 tỷ đồng) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (1.250 tỷ đồng).
Trái phiếu góp phần khá lớn trong khối nợ tỷ đô của Becamex.
Hồi cuối quý 1/2022, tổng nợ phải trả của Tổng công ty này lên tới 31.974 tỷ đồng (tương đương 1,38 tỷ USD), cao gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 64,6% nguồn vốn Becamex.
Trong đó, tổng nợ vay đạt 15.752 tỷ đồng. Như vậy, trái phiếu chiếm tới 66% tổng nợ vay.
Sở hữu nợ vay khổng lồ với lãi suất khá cao nên Becamex phải dành số tiền khổng lồ cho lãi vay. Trong quý 1/2022, chi phí lãi vay tại công ty lên đến 266 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 153 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí lãi vay tăng vọt góp phần khiến lãi tại Becamex hao hụt đáng kể. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ đạt 391 tỷ đồng, giảm 77 tỷ đồng, tương đương 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.