Theo kế hoạch, đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước.
UBND TP. Hồ Chí Minh xác định mục đích "không còn người nghèo" để triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Từ đó, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, thiết thực góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
UBND yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các cấp chủ động lồng ghép các chỉ tiêu thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững vào kế hoạch, chỉ tiêu chung của các ngành, các cấp nhằm tập trung tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giải pháp hỗ trợ kéo giảm các chiều, chỉ số thiếu hụt và các diện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo liên quan đến các sở, ban, ngành TP được phân công phụ trách trong kế hoạch.
Đồng thời cần đảm bảo cơ chế phối hợp thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững và chủ động xây dựng kế hoạch, lồng ghép các chỉ tiêu thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của TP với kế hoạch, chỉ tiêu của các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời đồng bộ và hiệu quả.
Kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể: Thành phố phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,35%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,2%/năm; đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP.
Ngoài ra, kế hoạch cũng đã đề ra các chương trình, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo như: Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo như Hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đa dạng hóa sinh kế; nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho vay vốn.
Tăng cường các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm (trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Chính sách hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế. Chính sách hỗ trợ về giáo dục. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Chính sách hỗ trợ nhà ở.
Đẩy mạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội khác: trợ cấp khó khăn; hỗ trợ hỏa táng phí; hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn; hỗ trợ tiền điện; chính sách chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2022, TP. Hồ Chí Minh đã giảm 24.601 hộ nghèo và 36.498 hộ cận nghèo, còn 3.128 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,13% tổng hộ dân TP) và 15.197 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,62% tổng hộ dân). Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công. Có 5 quận và 85 phường của 12 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2021-2025, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng sống.
Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thành phố quan tâm ưu tiên nguồn ngân sách thành phố và nguồn xã hội hóa (bố trí hơn 15.144 tỷ đồng) để thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội; các chính sách giảm các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình giúp hộ nghèo tích lũy thêm thu nhập có điều kiện thoát nghèo bền vững.