Trà Vinh muốn xây cầu hơn 3.500 tỷ, kết nối với tỉnh sẽ là đô thị vệ tinh của TP. HCM
Dự án xây cầu này hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian về hướng biển, phát triển kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh và tỉnh này.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh vừa có Tờ trình số 1805/TTr - UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cổ Chiên 2, kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Trà Vinh, dự án xây dựng cầu Cổ Chiên 2 có điểm đầu tại vị trí điểm đầu dự án “Xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối tại vị trí điểm cuối dự án “Xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh” thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Tổng chiều dài của dự án là 5km, đi qua địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh và huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Trong đó, cầu Cổ Chiên 2 dài 1,837km, có chiều rộng mặt cầu 22,5m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; đường dẫn hai đầu cầu có quy mô 4 làn xe cơ giới, tổng chiều dài khoảng 3,163km (đường dẫn phía Trà Vinh có chiều dài khoảng 1,863km và đường dẫn phía Bến Tre có chiều dài khoảng 1,3km).
Cầu chính Cổ Chiên 2 là cầu dầm hộp bê tông dự ứng lực đúc hẫng, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, nhịp chính 150m là phương án đảm bảo tốt các yêu cầu thông thuyền, thẩm mỹ, đảm bảo tính khả thi trong thi công.
Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm địa hình, thủy văn của đoạn sông Cổ Chiên tại vị trí kiến nghị xây dựng cầu cũng như tĩnh không thông thuyền, cầu Cổ Chiên 2 thỏa mãn thông thuyền cho việc lưu thông tàu pha sông biển có tải trọng đến 3000DWT.
Với quy mô xây dựng như trên, dự án có tổng mức đầu tư là 3.500 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 115 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 2.467 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác là 336 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 582 tỷ đồng.
UBND tỉnh Trà Vinh đề xuất sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng công trình, trong đó năm 2025 là 15 tỷ đồng; năm 2026 là 533,099 tỷ đồng; năm 2027 là 1.016,1 tỷ đồng; năm 2028 là 1.193,8 tỷ đồng; năm 2029 là 741,806 tỷ đồng.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, dự án sẽ tiến hành chuẩn bị dự án từ năm 2024 đến năm 2025; triển khai đầu tư từ năm 2026 đến năm 2029.
>> Một doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư 3.500 tỷ đồng để làm nhà máy điện rác tại Trà Vinh
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, dự án xây dựng cầu Cổ Chiên 2 sẽ góp phần từng bước hoàn thành hệ thống tuyến đường bộ ven biển từ từ Long An đến Cà Mau theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng của các tỉnh thuộc khu vực ven biển và nâng cao hiệu quả phòng chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian về hướng biển, phát triển kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh và Bến Tre nói riêng cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, có vai trò lớn giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế cho ngành du lịch địa phương phát triển, thúc đẩy du lịch biển, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn, kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Sáng ngày 5/12/2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nội dung quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; xã hội phát triển hài hòa, văn minh, hiện đại; môi trường, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ; con người phát triển toàn diện, có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
>> Tỉnh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu 'lội ngược dòng' đứng thứ 2 cả nước về tăng trưởng kinh tế